Thứ 6, 29/03/2024 20:50:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:30, 13/12/2018 GMT+7

Bạo hành trường học: Làm gì để ngăn chặn?

Thứ 5, 13/12/2018 | 08:30:00 142 lượt xem
BP - Chưa đầy 20 ngày, cả nước xảy ra 3 vụ bạo hành học sinh làm nóng dư luận. Vụ một học sinh lớp 6 ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị giáo viên cho tập thể lớp tát 231 cái vào ngày 19-11 chưa hết nóng, thì ngày 3-12, một học sinh lớp 2 ở quận Đống Đa (Hà Nội) cũng bị cô giáo yêu cầu lớp tát 20 cái. Những tưởng trước sức ép của dư luận thì hành vi bạo hành, phản giáo dục sẽ chấm dứt, thế nhưng ngày 6-12 vừa qua, lại có thêm một học sinh khuyết tật (lớp 1) ở huyện Đức Hòa (Long An) bị cô giáo đánh bầm tím người.

Nạn bạo hành học sinh ở nước ta trong thời gian qua đã bị công luận lên án gay gắt, làm nóng nghị trường Quốc hội, Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân, như ảnh hưởng bởi các game bạo lực, phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy. Lớp trẻ đang bị tiêm nhiễm lối sống thực dụng, ngoại lai dẫn tới những lệch lạc trong nhận thức. Gia đình thiếu quan tâm giáo dục, định hướng cho các em và những mặt trái của cơ chế thị trường... đã dẫn tới nạn bạo hành học đường. Tuy nhiên, theo dõi 3 vụ bạo hành học sinh nêu trên, dư luận cho rằng, nạn bạo hành học sinh có nguồn gốc từ những bất cập trong ngành giáo dục hiện nay.

Trước hết là bệnh thành tích đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm trong việc dạy, quản lý học sinh. Vì sợ đội cờ đỏ trừ điểm thi đua khi học sinh nói tục, giáo viên “xử lý” nhanh, gọn bằng 231 cái tát của tập thể chứ không theo phương pháp giáo dục thông thường như nhắc nhở, uốn nắn. Vụ việc vỡ lở, nhà trường lại bưng bít thông tin cũng vì thành tích thi đua; đến khi không thể che giấu được thì bao biện và tìm cách đối phó với dư luận. Nhẽ ra, khi xảy ra vụ việc, hiệu trưởng phải công khai thông tin, kiểm điểm nghiêm túc người vi phạm và bản thân với trách nhiệm người đứng đầu để rút kinh nghiệm cho các trường hợp khác. Đằng này, hiệu trưởng lại yêu cầu báo chí không được đăng tin ảnh hưởng đến thành tích của trường. Vụ học sinh lớp 2 bị 20 cái tát, lãnh đạo nhà trường cũng quanh co né tránh như đánh giá giáo viên chủ nhiệm là người hiền lành và học sinh tự tát nhau...

Một vấn đề nữa là nhiều giáo viên rất ít đọc báo và xem truyền hình. Bởi ngoài giờ lên lớp, họp hành, giáo viên tranh thủ thời gian dạy thêm ở nhà hoặc tìm việc làm tăng thu nhập. Vì không cập nhật thông tin thường xuyên nên không thể lấy những “tấm gương tày liếp” kia làm bài học cảnh tỉnh cho bản thân. Dường như gánh nặng cơm áo gạo tiền đã chiếm hết thời gian của các thầy cô giáo. Ngay tại Bình Phước, nhiều giáo viên chỉ “nghe nói” về 3 vụ bạo hành vừa nêu chứ không đọc báo, nghe đài để hiểu cặn kẽ vấn đề, qua đó tự răn mình.

Để chấm dứt nạn bạo hành đối với học sinh cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng người vi phạm đổ thừa, bao biện để né tránh; xóa bỏ ngay tâm lý “thương cho roi cho vọt” trong giáo viên để môi trường giáo dục không còn bạo lực. Cần chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tại gia để giáo viên có thời gian giải trí, cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, không nên quan trọng hóa thành tích thi đua mà cần tăng cường giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh kết hợp dạy kiến thức, đúng tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn” của ông cha ta, đang được treo trang trọng ở hầu hết các trường học. Làm được như vậy thì chúng ta mới có thể phòng ngừa, ngăn chặn nạn bạo hành trong học đường.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu