Thứ 6, 29/03/2024 07:52:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:53, 15/07/2014 GMT+7

Bao giờ nông dân hết khổ?!

Thứ 3, 15/07/2014 | 10:53:00 220 lượt xem
BP - “Vải chín đỏ đồi, người trồng đỏ mắt, thắt ruột”; “Nông dân miền Tây khóc ròng giữa ruộng dưa hấu thối”; “Ồ ạt chặt cà phê, cao su”; “Quay lưng với cây điều”... đó là những cái “tít” làm nhói lòng người trên các báo thời gian gần đây.

Có một thực trạng là dù nông nghiệp đóng góp 18% GDP, thu hút 47% lực lượng lao động, là bà đỡ của nền kinh tế nước nhà, nhưng nhà nông luôn bị thiệt thòi. Trong tất cả các mối liên kết, nông dân luôn chịu phần thua thiệt nhất. Dù chăn nuôi hay trồng trọt, dù ở miền Bắc hay miền Nam thì nông dân luôn phải đối mặt với nguy cơ “được mùa, mất giá” hoặc “mất mùa, trắng tay”. Chính vì thế mà ở nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh phía Bắc, miền Trung, người nông dân sau bao đời gắn bó với ruộng đồng, giờ đồng loạt bỏ ruộng bởi hiệu quả sản xuất quá thấp so nhiều ngành nghề khác. Những năm qua, trên diễn đàn Quốc hội, HĐND các cấp hay tại các hội thảo khoa học, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn đã được bàn đến khá nhiều, nhưng về cơ bản, số phận người nông dân vẫn chưa có gì thay đổi.

Ngày 29-6-2014, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, những người trồng tỏi, trồng vải, trồng cà phê trong cả nước đã gửi đến Bộ trưởng bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân những câu hỏi liên quan đến việc tác động của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, rằng làm thế nào để nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam (thật đắng lòng khi 5 quả vải ở Nhật giá tới mấy trăm ngàn đồng, trong khi ở Việt Nam, 1kg vải giá 7-8 ngàn đồng). Tất cả các câu hỏi đều đã được bộ trưởng trả lời. Tuy nhiên, nếu những vấn đề nông dân nêu ra đều đơn giản như trả lời của bộ trưởng (khi nói về công nghệ biến tỏi trắng thành tỏi đen, giá sẽ được nâng từ 50 ngàn đồng/kg lên 5 triệu đồng/kg), hẳn những người nông dân đã không mất thời gian để gửi thư than vãn với bộ trưởng như thế.

Quê tôi là vùng trồng lúa, nhưng hạt lúa mới chỉ làm nông dân hết đói chứ chưa làm họ thoát nghèo. Ở nông thôn bây giờ đủ các loại phí, nào phí bảo vệ đồng ruộng, làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường... chưa kể phải đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công cấy, gặt. Rồi rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... tất cả đều đánh vào hạt lúa. Thế nên hầu hết nông dân quê tôi đều phải vay nợ ngân hàng. Sau mỗi vụ gặt, nông dân lại chen lấn nhau ở ngân hàng để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay nợ mới để có tiền đầu tư cho vụ kế tiếp. Cứ thế, người nông dân đều phải “ăn trước trả sau”. Đó chính là lý do khiến họ phải từ bỏ ruộng đồng!

Điều mà nông dân quan tâm nhất trong lúc này là làm thế nào để không còn phải sản xuất, chăn nuôi trong tình trạng biết chắc sẽ thua lỗ? Như đợt dịch cúm A/H5N1 năm ngoái, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Thanh Lương (TX. Bình Long) vì đã trót đầu tư chuồng trại, chẳng thể làm gì nên dù biết chắc nuôi gà sẽ lỗ vẫn phải “nhắm mắt” nuôi, mong lấy công làm lãi, lấy phân bón cho cây trồng vì không thể để một đống tiền đầu tư chuồng trại bỏ không! Rồi tình trạng nhiều nông hộ trong tỉnh phân vân không biết có nên “đánh bạc” khi giá mủ cao su xuống quá thấp mà giá hồ tiêu lại cao ngất ngưởng?

Nhìn hình ảnh những người nông dân miền Tây ngồi khóc giữa ruộng dưa hấu, những nông dân Nghệ An, Bình Định thẫn thờ giữa ruộng ớt vì không có người mua hay cảnh chen lấn trong ngân hàng không phải để vay đầu tư mở rộng sản xuất mà chỉ là ăn trước trả sau của người dân quê tôi, một câu hỏi lại xoáy lên trong đầu: Bao giờ nông dân hết khổ?!

L.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu