Thứ 7, 20/04/2024 13:47:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:12, 30/09/2016 GMT+7

Bao giờ có hồi kết?

Trần Phương
Thứ 6, 30/09/2016 | 08:12:00 91 lượt xem

BP - 21 năm vẫn chưa giải quyết xong một vụ án dân sự - đây có lẽ là một kỷ lục không mong muốn trong ngành tư pháp Bình Phước. Đó là vụ tranh chấp xảy ra tại xã Long Hưng (Phú Riềng) mà người trong cuộc quen gọi tắt là “tranh chấp đất đai giữa bà An và ông Thú”. Trên trang 5 số ra hôm nay, Báo Bình Phước đăng loạt bài phản ánh về vụ việc này sau khi tòa án tiếp tục có phán quyết mới và phán quyết này tiếp tục không thuyết phục được các đương sự. Vì sao từ một vụ việc vốn không phức tạp lại trở nên “nan giải”, tốn nhiều giấy mực và biết bao cuộc họp của các cấp chính quyền cùng hàng chục lần hòa giải, xét xử như vậy?

Vụ việc bắt nguồn từ việc tháng 9-1995, bà Tạ Thị Xuấn cùng chồng là ông Đào Minh Thạc ở thôn 7, xã Long Hưng vay của bà Nguyễn Thị An ở thôn 2, xã Long Hưng 24 chỉ vàng 24K và vay của ông Phạm Thanh La ở thôn 4, xã Long Hưng 13 chỉ vàng 24K, thỏa thuận đến ngày 30-3-1996 nếu không trả được nợ thì bà Xuấn và ông Thạc sang nhượng thửa đất trồng điều 3,6 ha tại thôn 7, xã Long Hưng cho bà An và ông La. Giấy thế chấp vườn này được UBND xã Long Hưng chứng thực ngày 22-9-1995. Ít ngày sau bà Xuấn lại sang nhượng thửa đất cho ông Nguyễn Đức Thú ở thôn 7, xã Long Hưng với số tiền 21 triệu đồng và cũng được UBND xã Long Hưng chứng thực ngày 7-4-1996, sau đó 3 ngày UBND xã Long Hưng phát hiện vụ việc và đã đình chỉ việc sang nhượng, thu hồi giấy xác nhận mua bán đất giữa bà Xuấn và ông Thú. Quá hạn, bà An và ông La làm đơn khởi kiện ra tòa để giải quyết vụ việc.

UBND xã Long Hưng nhận thấy sai sót nên 3 ngày sau đó đã lập tức khắc phục, nếu xem xét tại thời điểm này, có thể thấy không khó để cơ quan chức năng đưa ra quyết định giải quyết dứt điểm vụ việc. Thế nhưng, rất tiếc, điều đó đã không xảy ra. Trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan chức năng đã đưa ra kết quả mà tất cả các bên đều không “tâm phục khẩu phục”, đồng thời tạo cơ hội cho những người tham lam trở nên ngoan cố, không chấp hành pháp luật. Nhiều sai sót và sự bất nhất trong quan điểm giải quyết của cơ quan thi hành án, tòa án đã vô tình tiếp tay cho sự bất chấp pháp luật của người trong cuộc, dần dần đẩy vụ việc ngày một phức tạp hơn, khó giải quyết hơn. Tròn 20 năm cơ quan tòa án thụ lý, qua nhiều thẩm phán xét xử, vụ việc rốt cuộc không những giậm chân tại chỗ, mà dường như còn trở nên “bất khả thi” đối với mọi hướng tuyên án.

Qua vụ việc cho thấy, thứ nhất là năng lực của các cơ quan tố tụng liên quan đến vụ án. Thứ hai, nếu pháp luật không được chấp hành nghiêm minh thì hậu quả để lại vô cùng lớn. Hậu quả không chỉ đối với đương sự trong vụ án, mà còn là gánh nặng cho các cơ quan hành chính nhà nước, cho chính các cơ quan tư pháp và đặc biệt là nêu gương xấu cho xã hội. Thứ ba là người “cầm cân nảy mực” đưa ra quyết định không chính xác đã không phải chịu trách nhiệm, khiến vụ việc trở thành nan giải, còn đương sự liên quan thì “chìm” trong khốn khó.

Vụ án 21 năm chưa có hồi kết ở Long Hưng không phải là điển hình duy nhất của một vụ việc đơn giản trở thành phức tạp trong ngành tư pháp của Bình Phước. Hy vọng “kỷ lục buồn” này sẽ không được các cơ quan tư pháp nối dài thêm cũng như không lặp lại trong những vụ án khác.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu