Thứ 4, 17/04/2024 04:14:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:21, 23/01/2014 GMT+7

Bao giờ cho đến ngày xưa!

Thứ 5, 23/01/2014 | 09:21:00 130 lượt xem

Thuở tôi còn bé, bà nội thường dạy, chị ngã em nâng, một điều nhịn chín điều lành, đói cho sạch rách cho thơm, rồi lại dạy thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... Nghĩa là vào mỗi trường hợp cụ thể, bà lại có một phương ngôn để răn dạy tôi và đám anh chị em họ. Những câu ngạn ngữ, phương ngôn bà thường nói, tôi đều nhớ hết. Có điều đầu óc con trẻ dễ nhớ, dễ quên. Vả lại điều kiện gia đình tôi lúc đó quá túng thiếu nên cũng chẳng có điều kiện để thực hiện. Muốn đùm lá rách, trước hết mình phải đừng là lá nát cái đã!

Dù gì thì vào khoảng năm, bảy tuổi gì đó, tôi vẫn là đứa trẻ ngoan ngoãn, tâm hồn tôi vẫn vẹn nguyên sự trong trẻo. Tôi tin trên đời có Tiên, có Phật, có ma quỷ, có thánh thần. Niềm tin ấy được gieo từ bà. Mỗi khi nghe ai đó kể chuyện những kẻ làm điều bất nhân, thất đức, bà thường lạy Phật và nói chắc là do ma xui quỷ khiến chứ là con người ai lại làm như vậy. Cũng như bà, tôi luôn tin ở hiền thì gặp lành, làm điều ác sẽ gặp quả báo. Tôi đã vịn vào niềm tin ấy và sống thật nhẹ lòng.

Lớn lên đi làm, bà nội đã thành người thiên cổ, không kịp chứng kiến đứa cháu trưởng thành. Nghiền ngẫm những phương ngôn, thành ngữ bà thường răn dạy, tôi chẳng bao giờ kèn cựa với ai, luôn giữ phận “làm em” mọi lúc mọi nơi. Những lần bình xét thi đua cuối năm, ba chục phần trăm lao động tiên tiến trong cơ quan, chẳng bao giờ tôi màng, cho dù thời gian và hiệu quả lao động của tôi chẳng hề kém cạnh ai. Lâu dần, chuyện tôi không bao giờ nhận mình là lao động tiên tiến cũng thành bình thường. Chẳng ai phải phân tích vì sao tôi nhận hoặc không nhận, đỡ mất thời gian.

Nhưng điều không ngờ đã xảy ra. Cơ quan tôi phải giảm biên chế ba chục phần trăm. Và đương nhiên, một người chưa bao giờ là lao động tiên tiến như tôi phải là người đứng đầu danh sách giảm biên chế. Tôi ngậm ngùi ôm đơn đi khắp nơi, nhưng chẳng nơi nào chịu nhận. Nghĩ mà xem, ai dại gì lại nhận một kẻ làm ăn làng nhàng, chưa bao giờ là lao động tiên tiến? Khi đó, tôi oán trách bà đã răn dạy tôi những điều chỉ có trong sách. Tôi đâm nghi ngờ hết thảy. Cả khi thằng bạn thời sinh viên, lúc ấy đã trở thành phó giám đốc bảo lãnh cho tôi về công ty của nó, tôi vẫn không tin nó làm việc ấy hoàn toàn vì tình bạn!

Tôi đã thành một con người khác, mệt mỏi, chán chường. Có lần vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung, tự lao xe vào một hòn đá ngã quay lơ ra đường. Một thanh niên nhanh nhẹn dừng xe đỡ tôi dậy, nhưng thay vì nói lời cảm ơn, tôi lại giữ chặt lấy sợi dây chuyền trên cổ rồi xua tay rối rít, nói không sao, không sao. Về nhà, tôi đã tự hỏi lần sau thấy người gặp nạn, liệu người thanh niên kia có còn dừng xe đỡ người ta dậy? Vậy là vô hình chung, tôi đã gieo cấy sự nghi kỵ vào một tâm hồn. Lại có lần đưa bao thư cảm ơn một người đã giúp đỡ mình, thấy ông ấy một mực từ chối, tôi phân vân nghĩ hay là ông ấy chê ít!?

Không dưới một lần, tôi đã ao ước giá tôi được trở lại như ngày còn thơ bé. Để luôn có niềm tin vào cuộc sống. Để được hồn nhiên vô tư nghĩ rằng, nhường nhịn, sẻ san là điều nên làm. Để không phải nghi ngờ khi có ai đó bất chợt thật tốt với mình. Để không phải bần thần khi có ai đó chìa tay ra cho mình nắm lấy.                       

L.T  

 

 

  • Từ khóa
48033

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu