Thứ 4, 24/04/2024 13:25:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:38, 12/06/2013 GMT+7

Báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Thứ 4, 12/06/2013 | 13:38:00 353 lượt xem

Lưới điện 110kV do Chi nhánh điện cao thế Bình Phước (Công ty lưới điện cao thế miền Nam) quản lý, được xây dựng và vận hành từ năm 1995. Đây là một mắt xích quan trọng trong cung cấp điện cho tỉnh và vùng lân cận. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) đã làm xảy ra nhiều sự cố trên đường dây 110kV, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ngành điện cũng như các đơn vị kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp điện an toàn, liên tục.

TỪ NHỮNG SƠ SUẤT NHỎ

Chi nhánh điện cao thế Bình Phước quản lý, vận hành đường dây có tổng chiều dài 473km và 6 trạm biến áp với tổng công suất 225MVA. Đường dây và trạm biến áp nhận điện từ 4 nhà máy thủy điện: Thác Mơ, Cần Đơn, Sork Phu Miêng và Đắk Glun.


Hiện diện tích cây cao su vi phạm HLATLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều

Theo Phó giám đốc Chi nhánh điện cao thế Bình Phước, ông Phan Văn Phước, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm HLATLĐ cao áp trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, đe dọa tính mạng, tài sản người dân và việc cung cấp điện của ngành. Hầu hết các sự cố liên quan đến điện cao áp đều gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh sự cố do vi phạm khoảng cách an toàn khi đứng dưới đường dây điện cao thế thì việc người dân trồng cây cao su gần hành lang lưới điện cũng là nguyên nhân gây nên những thiệt hại lớn cho ngành điện và các đơn vị kinh tế do mất điện gây ra. Đơn cử, khoảng gần 16 giờ ngày 17-5-2013, tại xã Minh Hưng (Chơn Thành), gió lốc đã khiến cao su ngã đè lên pha C, B ở trụ 337-338 làm dứt dây điện. Chi nhánh phải huy động toàn bộ lực lượng để khắc phục sự cố.

Còn tại xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập), người dân cưa cây đổ làm đứt dây điện khu vực này khiến ngành điện phải làm việc suốt 8 giờ liên tục để nối lại đường dây. Anh Nguyễn Đức Viết, công nhân quản lý vận hành đường dây 110kV, tổ Đồng Phú cho biết: “Người dân vẫn biết là vi phạm nhưng vì kinh tế nên họ không hợp tác khi ngành điện vận động chặt bỏ những cây trồng nằm trong khu vực an toàn lưới điện. Tìm chủ cây đã khó, vận động họ chặt bỏ càng khó khiến ngành điện tốn rất nhiều thời gian và công sức trong việc bảo vệ an toàn đường dây. Trong khi đó, ngành điện chỉ lập biên bản vi phạm mà không có chức năng xử phạt, khiến cho đối tượng vi phạm ngày càng nhiều”. Anh Viết còn nói: “Cây cao su là thế mạnh kinh tế của Bình Phước, nhưng là nỗi ám ảnh của ngành điện”. Và ngành điện đang phải “năn nỉ” người vi phạm mà chưa có biện pháp xử lý mạnh tay để giảm bớt những việc làm trái pháp luật.

Ngoài trồng cây vi phạm HLATLĐ thì một số người dân chủ quan, sinh hoạt ở dưới khu vực này cũng đang tạo ra mối hiểm nguy rình rập. Điển hình vào lúc 13 giờ ngày 23-3-2013, tại xưởng điều Sơn Bông, thuộc khu phố 1, phường Thác Mơ (TX. Phước Long) đã xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Anh Nguyễn Thanh Nhàn (1971), quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) lái xe tải biển số 51C-00252 chở 33,7 tấn điều khô đến bán cho xưởng điều Sơn Bông. Anh Nhàn đã đậu xe dưới đường dây cao thế 110kV. Thấy xe dừng, anh Huỳnh Minh Tín (1995, ngụ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), là công nhân của xưởng trèo lên thùng xe lấy mẫu hạt điều để thử chất lượng thì bất ngờ bị dòng điện từ đường dây 110KV phóng xuống. Vụ tai nạn làm anh Tín bị cháy nửa người và tử vong tại chỗ. Xe tải chở hạt điều bốc cháy dữ dội.

VI PHẠM VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Theo thống kê của Chi nhánh điện cao thế Bình Phước, trong 473km đường dây điện cao áp hiện có hàng trăm vị trí khoảng trụ đường dây đang bị vi phạm, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Mặc dù ngành điện đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, đảm bảo an toàn, nhưng sự xâm hại HLATLĐ cao áp vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân là do ý thức người dân kém, các cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

Ông Phước cho biết thêm: “Mùa mưa năm 2013 mới bắt đầu, là thời điểm nguy hiểm nhất trong năm. Tai họa xảy ra bất cứ lúc nào khi có giông lốc, gió mạnh. Đơn cử là ngày 11-4 vừa qua, cao su đổ làm đứt dây điện ở Chơn Thành chỉ trong 4 giờ, nhưng nhà máy xi măng phải ngưng hoạt động, thiệt hại gần 3 tỷ đồng”.

Theo quy định, trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong HLATLĐ, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, hiện việc cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh không chú ý đến vấn đề này. Công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp và ngành điện trong việc phát hiện, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ. Nhiều công trình khi xây dựng xong mới phát hiện vi phạm, khiến việc xử lý gặp khó khăn. Ngoài ra, một số trường hợp khi quy hoạch đất đã không thực hiện khảo sát kỹ về thực địa và chưa tính đến sự tồn tại trước đó của đường dây điện, khiến cho việc vi phạm của người dân cứ thế tiếp diễn... Một nguyên nhân nữa dẫn đến khó xử lý dứt điểm những vụ vi phạm HLATLĐ là do người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc bảo vệ HLATLĐ. Nhiều người còn chủ quan, không lường trước các tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà ở, công trình trong HLATLĐ.

Mùa mưa đã đến, việc bảo vệ HLATLĐ đang là vấn đề cấp bách. Ngoài nỗ lực của ngành điện, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng và các địa phương. Đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của Nhà nước khi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Bảo An

  • Từ khóa
92232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu