Thứ 7, 20/04/2024 14:47:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:38, 17/12/2016 GMT+7

“Báo động đỏ” lạm dụng phân bón hóa học trong trồng tiêu

Thứ 7, 17/12/2016 | 07:38:00 783 lượt xem
BP - Những năm gần đây, người trồng tiêu ở xã Minh Lập (Chơn Thành) xem việc sử dụng phân bón hóa học (PBHH) là cách làm hữu hiệu, giúp cây lớn nhanh và cho năng suất cao. Tuy nhiên, thói quen sử dụng PBHH bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe con người mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa đất, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững của huyện.

SỬ DỤNG PHÂN BÓN BỪA BÃI

Thời gian gần đây, nhiều nhà nông ở Minh Lập chặt cao su trồng tiêu khiến diện tích loại cây này tăng mạnh. Hiện hơn 30% diện tích đất sản xuất của xã được nông dân trồng tiêu với mật độ bình quân 2.500 nọc/ha nên lượng phân bón sử dụng hằng năm rất lớn.

Chúng tôi đến thăm vườn tiêu rộng khoảng 1,5 ha với trên 3.000 nọc của nhà nông T.B.Q ở ấp 1 lúc gần trưa. Đã 6 năm liên tiếp, ông Q chịu thiệt hại vì vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng. Năm 2016, ông trồng thêm 1.500 nọc tiêu và chi 80 triệu đồng để chữa bệnh cho số còn lại, nhưng lượng hạt thu được ít ỏi, không đủ chi phí đầu tư. Chuyển sang trồng tiêu non để bán, ông vẫn giữ thói quen lạm dụng PBHH kết hợp phun nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đang phun thuốc BVTV ướt đẫm vườn tiêu từ chiếc máy phun có dung tích 16 lít, thấy khách đến, ông mời tôi vào nhà uống nước mà không rửa tay khử trùng, thay trang phục vừa phun thuốc. Ông cho hay, trong buổi sáng, ông đã phun 6 bình thuốc cho hơn 300m2 vườn. Nhiều người sức khỏe tốt, họ có thể phun được hơn 800m2 vườn/ngày.

Vườn tiêu của ông Nguyễn Tấn Lực xanh tốt do được tưới phân vi sinhVườn tiêu của ông Nguyễn Tấn Lực xanh tốt do được tưới phân vi sinh

Ông Q nói: “Biết lạm dụng PBHH và thuốc BVTV trong trồng trọt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh, nhưng tôi vẫn phải dùng để trị bệnh, tăng sức đề kháng cho cây, bảo đảm sản lượng”. Quan niệm PBHH giúp cây lớn nhanh, tăng khả năng đậu trái hơn so với phân hữu cơ nên ông bón gần 2 tấn phân hóa học/năm tại vườn.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: Hiện khoảng 80% số hộ trồng tiêu trong xã sử dụng PBHH và mỗi năm bón gần 1 tấn PBHH cho 1 ha đất sản xuất. Các loại bao bì, túi đựng PBHH vứt bỏ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường tại nhiều khu dân cư trong xã.

Ông Lực cho rằng, sử dụng PBHH phải tuân thủ nguyên tắc đúng chủng loại, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm mới bảo đảm năng suất và hiệu quả cây trồng. Tuy nhiên, do chưa quan tâm đến mặt trái từ việc lạm dụng PBHH và tâm lý càng phun nhiều năng suất càng cao nên không ít nông hộ trộn nhiều loại phân và bón không đúng thời điểm. Không chỉ làm môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển nông nghiệp bền vững.

NỖI LO PBHH KÉM CHẤT LƯỢNG

Ông Doãn Đình Nghị, Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Chơn Thành cho biết: Hiện có 5 cửa hàng bán PBHH và thuốc BVTV tại xã Minh Lập. Nhân viên bán hàng không có kiến thức chuyên sâu về PBHH và nguồn PBHH tại xã chủ yếu được các cửa hàng nhập từ đại lý cấp I ở trung tâm thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Do phụ thuộc vào hàng nhập ngoại khiến quá trình kiểm soát về giá, chất lượng, tính an toàn của các loại PBHH gặp khó. Tuy kết quả các đợt kiểm tra tại huyện Chơn Thành của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thời gian gần đây chưa phát hiện PBHH giả, kém chất lượng, nhưng người trồng tiêu vẫn luôn lo lắng vì sợ “tiền mất, tật mang”.

“Đất tại xã Minh Lập là loại đất xám bạc màu, khó có khả năng hấp thu và hàm lượng hữu cơ không cao. Trong 100kg phân urê hoặc NPK người trồng bón vào đất, cây tiêu chỉ hấp thu được từ 20-30kg, phần còn lại bị bốc hơi hoặc tích tụ lại trong đất. Mùa khô, với nền nhiệt độ cao dễ khiến các loại PBHH mất đạm dạng NH3 và NO3 cùng các ôxít nitơ, còn mùa mưa, đất bị xói mòn, rửa trôi, chảy tràn làm mất dinh dưỡng. Nhiệt độ và độ ẩm tự nhiên ở xã cao đẩy nhanh quá trình chuyển hóa các loại phân bón trong đất gây ra phú dưỡng nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường và là tác nhân gây ung thư cho con người cũng như tác động tiêu cực đến các loại thủy sản” - ông Nghị cho biết thêm.

CẦN NHÂN RỘNG DÒNG PHÂN “XANH”

Hiện có khoảng 20% người trồng tiêu tại Minh Lập áp dụng các loại phân bón và thuốc BVTV thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, do giá bán của nhiều loại phân hữu cơ quá cao nên nhiều người tự làm phân bón phục vụ sản xuất, trong đó sử dụng nhiều là phân cá vi sinh. Nhà nông mua cá biển và phế phẩm thủy sản về ủ mục thành phân. Để giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt, tránh mùi hôi do phân cá tạo ra, nhà nông dùng thêm các chế phẩm sinh học là các loại men, như EM1, Protease khi ủ. Sau hơn 1 tháng, người trồng có thể pha loãng phân cá để phun hoặc tưới cho cây tiêu theo công thức “vàng” 1 lít dung dịch hòa tan vào 300 lít nước. Theo cách này, chi phí làm 1 lít phân cá vi sinh chỉ khoảng 7.000 đồng, giảm gần 10 lần so với giá bán trên thị trường. Các loại phân hữu cơ chứa khá nhiều vitamin có lợi cùng chất đạm và chất khoáng rất cao. Nhất là lượng axít amin phong phú đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, giúp cây lớn nhanh, sức đề kháng tốt. Phân cá vi sinh có khả năng tự hòa tan, cải tạo đất tốt, không chứa độc tính hóa học, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài cây tiêu, nhà nông ở Minh Lập còn dùng phân cá vi sinh bón cho các loại hoa cảnh, như mai, phong lan và bonsai.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Lập thăm vườn tiêu của hội viên đang nhiễm bệnhÔng Nguyễn Tấn Lực, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Lập thăm vườn tiêu của hội viên đang nhiễm bệnh

Là người tiên phong trong sử dụng phân cá vi sinh bón cho tiêu, ông Nguyễn Tấn Lực đã tiết kiệm được 30 triệu đồng/năm/ha từ việc mua phân bón. Ông Lực khẳng định: “Năm 2015, tôi tự ủ 2.000 lít phân cá vi sinh để chăm sóc tiêu thay các loại PBHH. Do chủ động nguyên liệu đầu vào để ủ phân, tôi lên lịch bón định kỳ cho vườn tiêu 6 lần/năm. Nhờ đó, vườn tiêu phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, ra trái đều và thu hoạch trung bình khoảng 4 tấn hạt khô/năm”.

Lạm dụng PBHH trong sản xuất nông nghiệp là chuyện không mới. Nhưng điều đáng nói là nhiều người vẫn chạy theo lợi ích trước mắt, dù nhận thức được những hệ lụy khôn lường do PBHH gây ra. Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân chính là “chìa khóa” để Minh Lập hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “xanh”, hiện đại. Để làm được điều này, trước hết cần có hình thức tuyên truyền thích hợp để nhà nông hiểu rõ mối nguy hại từ lạm dụng PBHH, từ đó dần thay đổi thói quen canh tác. Ngành chức năng tăng cường quản lý kinh doanh, sử dụng PBHH và có những chương trình khuyến khích phát triển các loại phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường.

Thế Tường

  • Từ khóa
93178

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu