Thứ 5, 25/04/2024 05:40:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:24, 28/12/2017 GMT+7

Báo chí trước cuộc cách mạng 4.0

Thứ 5, 28/12/2017 | 06:24:00 1,434 lượt xem

BP - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, còn gọi là “cách mạng 4.0”, là cụm từ được đề cập đến trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Từ đó đến nay, cách mạng 4.0 là một trong những vấn đề được tất cả quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở các nước phát triển, cách mạng 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử. Nó đang mang đến cơ hội thay đổi đời sống của nhân loại, thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề khôn lường khi trí tuệ nhân tạo có bước phát triển vượt bậc.

Vai trò của nhân viên công nghệ tại các tòa soạn ngày càng quan trọng. Trong ảnh: Nhân viên Phòng Tòa soạn Báo Bình Phước trong giờ làm việc - Ảnh: S.H

Cách mạng 4.0 đã đưa loài người sang kỷ nguyên của xã hội công nghệ thông tin, xã hội tri thức và xã hội học tập. Cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả yếu tố căn bản của báo chí - truyền thông: sản xuất báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông và công chúng truyền thông.

Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Đặc biệt, cách mạng 4.0 cho ra đời các sản phẩm báo chí mới, đồng thời làm thay đổi tiêu chí về sáng tạo báo chí. Những bài viết dài dòng nay thiếu sức hút công chúng, thay vào đó là thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, như clip dạng livestream trên mạng xã hội, hay các bản rapnews (bản tin rap)...

Tháng 6-2017, phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: Hiện nay, đội ngũ nhà báo được cấp thẻ là 18.900 người. Nhưng xét ở khía cạnh khác, dân số Việt Nam có 92 triệu người thì 48 triệu người làm báo. Đó là 48 triệu người dùng mạng xã hội. Gần như người nào dùng mạng xã hội cũng trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook là 1 “tòa soạn”, và mỗi người dùng Facebook đều trở thành 1 nhà báo công dân, họ tự do bình luận, tự do viết, tự do nói ở “tòa soạn” của mình. Báo chí chính thống phải làm thế nào định hướng đúng, định hướng được khi 48 triệu người làm báo như vậy, đây là điều hết sức khó.

Hình ảnh quen thuộc của các nhà báo là cây bút, cuốn sổ và chiếc máy ảnh, nhưng nay đã khác rất nhiều. Nhà báo bây giờ đôi khi tất cả phương tiện để tác nghiệp chỉ là... một chiếc điện thoại. Họ có thể sản xuất ra tất cả loại hình sản phẩm báo chí như truyền hình, text (chữ), âm thanh... chỉ sau vài giây. Nhưng phía sau họ phải là một lực lượng hùng hậu về kỹ thuật và đội ngũ chuyên môn giỏi tại tòa soạn. Đọc báo cũng vậy, còn rất ít người tay cầm tờ báo hay ngồi trước màn hình tivi như trước đây. Thay vào đó, mỗi người một smartphone hoặc một máy tính bảng. Với truyền thông điện tử, truyền thông đa phương tiện, chỉ sau vài giây, một sự kiện nóng đã lan truyền khắp thế giới. Kỹ thuật số tạo cơ hội cho báo chí được đa dạng hóa loại hình. Công chúng ngày càng được tiếp cận báo chí, tiếp cận thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn, thuận tiện hơn.

Ngày nay, trong mỗi cơ quan báo chí, nếu chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt và một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ làm báo công nghệ 4.0 hay ngược lại đều không đủ. Lãnh đạo tòa soạn, nếu không nắm vững về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, nguyên tắc lọc bình luận, quản lý fanpage, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội... thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số.

Nói cách khác, mọi cơ quan báo chí truyền thông, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan định hướng tư tưởng cần nắm bắt kịp thời, đầy đủ về cách mạng 4.0. Để từ đó có chiến lược nghiên cứu, thay đổi chính sách quản lý báo chí truyền thông trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội, truyền thông xã hội, sự ra đời của nền báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu và báo chí sáng tạo.

Hiện nay, các tập đoàn công nghệ đang chuyển mình thành các tập đoàn công nghệ - truyền thông, như trường hợp của Facebook, Snapchat, Apple... Trong khi đó, các cơ quan báo chí hùng mạnh cũng đang chuyển mình thành các tập đoàn truyền thông - công nghệ. Công nghệ thay đổi nhanh đến mức báo chí khó xác định được nền tảng nào là quan trọng nhất. Trong mỗi tòa soạn, vai trò của nhân viên công nghệ ngày càng quan trọng. Tỷ lệ trung bình hiện nay trên thế giới là cứ 8 nhà báo phải có 1 nhân viên lập trình làm việc cùng chứ không phải là bộ phận công nghệ riêng. Ở một số tờ báo lớn, tỷ lệ này thậm chí là 4:1.

Báo hình, báo nói, báo điện tử đều đã, đang bị mạng xã hội lấn lướt. Hiện đã có 4G, nhưng khi 5G, 6G… xuất hiện, cách mạng 4.0 sẽ tiếp tục làm cho báo chí - truyền thông thay đổi lớn lao hơn.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
19676

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu