Thứ 5, 25/04/2024 17:59:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:09, 26/03/2015 GMT+7

Bản sắc người Tày, Nùng ở Đông Nam bộ

Thứ 5, 26/03/2015 | 13:09:00 2,555 lượt xem
BP - Đồng bào Tày, Nùng là hai trong số các cộng đồng cư dân đã sinh sống lâu đời ở khu vực phía Bắc nước ta. Do các yếu tố về lịch sử, văn hóa và điều kiện cư trú, hai cộng đồng cư dân này có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng. Theo số liệu thống kê năm 2011, người Tày, Nùng ở Bình Phước là hơn 50 ngàn người. Ở xã Thống Nhất (Bù Đăng), người Tày lên đến 2.000 người, trong đó thôn 12 có khoảng 50% số dân là người Tày. Hoặc ở thôn Tân Phước, xã Tân Tiến (Bù Đốp) người Tày, Nùng chiếm gần 70% số dân toàn thôn.

Người Tày, Nùng có nền văn hóa phát triển lâu đời và rất đa dạng, phong phú. Trong đó, nhiều giá trị đặc sắc trong các dịp lễ, tết cổ truyền của người Tày, Nùng ở Bình Phước càng thêm đa dạng, phong phú. Ngoài trang hoàng nhà cửa, bàn thờ tổ tiên thì người dân còn tìm đến những người giỏi chữ Hán và viết chữ đẹp để xin câu đối dán ở cửa chính ngôi nhà cầu phúc và may mắn.

Câu lạc bộ đàn tính, hát then ở xã Tân Tiến (Bù Đốp) đã tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó mọi người và bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày, Nùng - Ảnh: Ngân Hà

Không khí tết thực sự bắt đầu sau lễ cúng tất niên (tối ba mươi) và sau lễ giao thừa. Những nơi đông dân, mỗi gia đình sẽ cử đại diện một người, tập trung ở nhà có vị lớn tuổi nhất (gọi là trưởng làng) rồi đến từng  nhà trong thôn chúc tết. Ngoài chúc tết nhau, ở nơi người Tày, Nùng cư trú tập trung như xã Tân Tiến (Bù Đốp), Thống Nhất (Bù Đăng) còn duy trì các trò chơi dân gian như: đu quay, ném còn, đánh cờ... Các hoạt động này thường bắt đầu từ mồng ba tết và kết thúc vào ngày mồng 5, 6. Ở một số nơi khác như xã Bom Bo (Bù Đăng) còn tổ chức hát then, múa sạp...

Nói đến bản sắc người Tày, Nùng thì tết Thanh Minh cũng mang dấu ấn đậm nét. Tết Thanh Minh diễn ra trong tháng ba (âm lịch) hằng năm, tập trung từ mồng ba tháng ba đến mồng mười tháng ba. Đây là dịp để người sống tưởng nhớ, tri ân công lao của người thân đã khuất, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp. Ở Bình Phước, một số nơi người dân vẫn duy trì việc an táng người thân trong khu vực vườn nhà, một số nơi thì an táng tập trung tại nghĩa trang. Tuy nhiên, dù an táng ở đâu thì họ vẫn duy trì hoạt động dọn dẹp chỉnh trang lại các ngôi mộ (làm cỏ, quét vôi) trong ngày Thanh Minh. Nếu gia đình đông người và phải cúng nhiều ngôi mộ thì họ sẽ mổ heo, nếu ít thì chỉ mua thực phẩm về chế biến một mâm cỗ để cúng tại mộ. Sau đó cả gia đình cùng ăn uống tại mộ. Một món ăn không thể thiếu trong ngày này luôn có bánh tro - một loại bánh gói từ gạo, nước tro lọc sạch. Nếu tết Nguyên đán là tết khởi đầu cho mùa Xuân thì tết Thanh Minh được xem như là lễ kết thúc trong mùa Xuân, một sự kết thúc hết sức ý nghĩa.

Phạm Hữu Hiến

  • Từ khóa
91120

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu