Thứ 7, 20/04/2024 16:19:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:23, 29/10/2019 GMT+7

Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam

Thứ 3, 29/10/2019 | 07:23:00 1,972 lượt xem

BP - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển bãi Tư Chính sau 3 tháng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Trong thông cáo phát đi chiều 25-10-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm”.

VÀI NÉT VỀ BÃI TƯ CHÍNH

Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía Nam biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Bãi Tư Chính dài 63km, rộng 11km, có chỗ phình ra hơn 20km. Phần mặt bằng quan sát được có diện tích gần 34km². Nơi nông nhất nằm đầu mút phía Bắc, có độ sâu 16m. Bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại bãi Tư Chính có 2 ngọn hải đăng, đều có chiều cao tháp đèn 22m, tầm hiệu lực 12 hải lý, ánh sáng trắng. Nơi đây có vị trí chiến lược rất quan trọng, gần sát nhất các mỏ dầu chúng ta đang khai thác. Vì vậy, Tư Chính được ví như “cái hàng rào”, là tiền đồn của vùng dầu khí của Việt Nam.

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam - Ảnh tư liệu

3 căn cứ chứng minh bãi Tư Chính thuộc Việt Nam, đó là căn cứ địa chất, địa lý và pháp lý. Tất cả đều cho thấy bãi Tư Chính không phải khu vực tranh chấp ở biển Đông mà hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Xét về mặt địa chất và địa lý, vùng Tư Chính - Vũng Mây thuộc thềm lục địa của Việt Nam và không phải là một bộ phận của quần đảo Trường Sa. Tại khu vực phía Nam biển Đông (gồm các bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân), Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK. Việc này phù hợp với các quy định về quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 và Điều 80 của UNCLOS 1982. Việt Nam cũng có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác, sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

KIÊN QUYẾT GIỮ VỮNG CHỦ QUYỀN

Từ khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã 5 lần tuyên bố chính thức khẳng định, đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân 2 nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, quốc tế. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông, khu vực và quốc tế.

Không chỉ người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã chính thức phát biểu trên các diễn đàn trong nước và quốc tế về vấn đề vùng biển của Việt Nam bị xâm phạm. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15-10-2019, khi được hỏi về tình hình biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rất kiên quyết: “Không nhân nhượng vấn đề lãnh thổ, độc lập, chủ quyền”.

Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào sáng 21-10-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước”.

Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 và pháp luật Việt Nam. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111431

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu