Thứ 6, 29/03/2024 07:33:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:26, 27/05/2016 GMT+7

Bài toán khó với hồ tiêu

Thứ 6, 27/05/2016 | 09:26:00 138 lượt xem

BP - Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thông báo tại hội nghị thường niên diễn ra ngày 20-5, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 133.569 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 1,276 tỷ USD, tiếp tục phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu; đồng thời dự báo năm 2016, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng. Hồ tiêu của Việt Nam hiện chiếm đến 32% thị phần hồ tiêu thế giới (xếp thứ 2 là Ấn Độ chỉ khoảng 18% chủ yếu tiêu dùng nội địa, thứ ba là Indonesia 16%). Diện tích sản xuất hồ tiêu của nước ta hiện nay 100 ngàn ha, gấp 2 lần so với quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020 (50 ngàn ha). Thế nhưng, khá bất ngờ là với diện tích trồng và sản lượng lớn như vậy nhưng Việt Nam lại đang phải... nhập khẩu hồ tiêu về chế biến để xuất khẩu vào những thị trường trọng điểm. Vì sao có nghịch lý đó và những hệ lụy gì có thể xảy ra với người trồng tiêu của Bình Phước - địa phương có diện tích hồ tiêu đang cho thu hoạch lớn nhất cả nước?

vườn tiêu sạch có hệ thống tưới phun mưa hiện đại ở ấp 8, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh - Ảnh: S.Hvườn tiêu sạch có hệ thống tưới phun mưa hiện đại ở ấp 8, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh - Ảnh: S.H

Khoảng 5 năm trở lại đây, người trồng tiêu trên cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng đã “chạy đua” với giá tiêu tăng mỗi năm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, 10 năm qua, giá hạt tiêu từ 1,6USD/kg lên xấp xỉ 9USD/kg. Theo số liệu cập nhật của Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp ngày 23-5, các đại lý thu mua tiêu đen với giá 190,3 ngàn đồng (tương đương 8,54USD)/kg. Một vườn tiêu trung bình 2.000 nọc/ha với năng suất mức thấp 2kg/nọc, cũng đã cho thu về 760 triệu đồng/ha. Với những con số này, không khó hiểu khi diện tích trồng loại cây này tăng chóng mặt thời gian qua.

Carbendazim đang chiếm 60% thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Tác hại của tồn dư carbendazim trong nông sản là gây vô sinh. Ở các nước phát triển, carbendazim đã bị cấm sử dụng như Mỹ (nước nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam lớn nhất hiện nay), Nhật... Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành nông nghiệp hiện mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo nông dân loại bỏ hoạt chất này trong sản xuất. Trong khi đó, hầu hết nhà nông sử dụng carbendazim để diệt nấm trong chăm sóc hồ tiêu cũng như nhiều loại cây trồng khác.

Vốn đầu tư lớn, lợi nhuận cao, không khó hiểu khi người nông dân dùng mọi cách để chăm sóc, bảo vệ vườn tiêu của mình, đặc biệt hồ tiêu là loại cây “rất chảnh”, chỉ một chút sơ sảy có thể dẫn tới cả vườn bị phá hủy bởi hai loại bệnh chết nhanh, chết chậm chưa có thuốc đặc trị. Vì thế, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc, bảo vệ hồ tiêu ngày càng nhiều và để lại những hậu quả vô cùng lớn cho nông dân. Đó là chất lượng hạt tiêu không đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khắt khe - cũng là những thị trường lớn nhất và nhập khẩu với giá cao nhất trên thế giới, như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, châu Âu... Hiệp hội gia vị của những quốc gia này đã nhiều lần cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời có động thái dừng nhập khẩu sản phẩm hạt tiêu của Việt Nam. Điều đáng lo ngại là những cảnh báo này ngày một nghiêm trọng hơn khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu Việt Nam không những giảm mà còn có xu hướng tăng lên.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 13.843 ha hồ tiêu, tăng 14,31% so với năm 2014; sản lượng đạt 30.267 tấn, tăng 20,07% so với năm 2014. Hiện trên địa bàn tỉnh có 24 câu lạc bộ trồng tiêu sạch với 540 hội viên là các hộ trồng tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế R.A (tiêu sạch) và liên kết sản xuất với Tập đoàn sản xuất, chế biến gia vị Nedspice (Hà Lan) - tập đoàn chế biến gia vị lớn nhất thế giới hiện nay.

Tuần trước, tại hội thảo liên kết sản xuất hồ tiêu sạch do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với đại diện 24 câu lạc bộ trồng tiêu sạch ở Bình Phước và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tổ chức tại thị xã Đồng Xoài, vấn đề “nóng” nhất đặt ra là chuyện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hạt tiêu tiếp tục tăng. Đây thật sự là lời cảnh báo nghiêm trọng đối với nhà nông cũng như các cơ quan quản lý của Bình Phước. Bởi lẽ, viễn cảnh hồ tiêu Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng bị cấm xuất khẩu vào những thị trường tiêu chuẩn cao có thể xảy ra trong tương lai gần. Hệ lụy của nó không chỉ khiến doanh nghiệp hồ tiêu của Việt Nam khốn đốn khi không thể xuất khẩu sản phẩm hoặc phải nhập nguyên liệu với số lượng lớn kéo theo giá thành cao hơn, mà hàng vạn tấn hồ tiêu do nông dân Việt Nam làm ra sẽ không biết “đi đâu về đâu”.

Việc sản xuất tiêu sạch theo hướng bền vững sẽ làm giảm năng suất khá nhiều, theo tính toán của các nhà khoa học thậm chí có thể giảm khoảng 50-70%. Đây là phương án khó thuyết phục nông dân. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế của mình, dù muốn hay không, ngành hồ tiêu Việt Nam chắc chắn phải điều chỉnh hoạt động sản xuất. Bài toán này không dễ nhưng bắt buộc phải tìm ra lời giải đối với ngành nông nghiệp cũng như các nhà quản lý vĩ mô của Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung.

Giá hạt tiêu lên đỉnh điểm, nhưng diện tích trồng cả nước hiện đã gấp 2 lần so với quy hoạch đến năm 2020 của Chính phủ, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà nông  - Ảnh: Phương ThảoGiá hạt tiêu lên đỉnh điểm, nhưng diện tích trồng cả nước hiện đã gấp 2 lần so với quy hoạch đến năm 2020 của Chính phủ, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà nông  - Ảnh: Phương Thảo

Trần Phương

  • Từ khóa
40355

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu