Thứ 5, 28/03/2024 23:17:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:10, 31/07/2018 GMT+7

Bài toán khó từ cây lúa An Khương

Thứ 3, 31/07/2018 | 14:10:00 362 lượt xem
BP - Với ưu điểm ngon, mềm cơm, không chất bảo quản, gạo ruộng An Khương (Hớn Quản) đang từng bước khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng. Thế nhưng, nguồn cung lúa tại chỗ không đáp ứng nhu cầu sản xuất gạo ra thị trường do nhiều nguyên nhân, đang là bài toán khó đối với An Khương.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GẠO AN KHƯƠNG

Anh Nguyễn Văn Công, (1992), quản lý Nhà máy xay lúa Út Hào - lớn nhất trong 10 nhà máy ở xã An Khương, cho biết, thị trường thu mua lúa nguyên liệu của nhà máy chủ yếu ở các xã Thanh An, An Khương (chiếm khoảng 40%). Sau khi 2 xã này hết mùa thu hoạch, Công phải lên Lộc Ninh, Bù Đốp mua lúa về trữ, đáp ứng nhu cầu gạo cho người dân và các đại lý do anh bỏ mối.

Hiện sản lượng lúa ở An Khương chỉ cung cấp 40% nhu cầu sản xuất của Nhà máy Út Hào

Bình quân mỗi tháng, 2 nhà máy của Công ở 2 xã An Khương và Tân Hưng (Hớn Quản) xuất ra thị trường khoảng 15 tấn gạo, chủ yếu trên địa bàn huyện và tỉnh. Do chưa có điều kiện nên anh chỉ bỏ mối cũ, chưa dám mở rộng thị trường. Anh Công cho biết: “Có mối ở Sài Gòn đặt hàng nhưng không có xe chở, trong khi khách mua hàng với số lượng chưa nhiều nên tôi không dám nhận. Nếu mở rộng thị trường, tôi phải đầu tư xe tải và có số vốn nhất định để mua lúa trữ trong kho, đảm bảo lượng lúa gạo xoay vòng cung cấp cho đại lý”. Mùa lúa, anh Công đến ruộng của nông dân đặt cọc để họ có tiền mua phân, giống đầu tư; lúc thu hoạch, anh đến gom lúa. Sắp hết mùa, anh mua trữ từ 60-70 tấn lúa trong kho, với kinh phí 400-500 triệu đồng. Do có người thân quen cho vay lãi suất thấp không qua thế chấp nên anh có thể vay sau hơn 3 tháng hoạt động thì hoàn trả gốc và lãi. Chi phí đầu tư lớn, anh dự định dành dụm chút vốn đến năm 2019 vay thêm ngân hàng mở rộng thị trường. “Lúc đó tôi sẽ làm bài bản hơn. Mở rộng thị trường bằng cách cho người đi tiếp thị gạo của mình. Lúa An Khương có ưu điểm thơm ngon, mềm cơm, không chất bảo quản. Do xu thế phát triển của xã hội, người tiêu dùng ngày càng hướng đến nông sản sạch để bảo vệ sức khỏe gia đình nên nhu cầu gạo ruộng sạch, không chất bảo quản trở nên phổ biến. Nếu mình chậm chân sẽ không cạnh tranh được các nơi khác” - anh Công bày tỏ.

Tuy nhiên, số ít đại lý vì muốn độc quyền phân phối gạo của Nhà máy Út Hào nên chỉ lấy bao bì không nhãn hiệu để các đại lý khác trong vùng không biết địa điểm của nhà máy. Công đành chấp nhận yêu cầu, phân phối gạo nhưng “giấu” nhãn hiệu. Trong tương lai, anh vẫn nuôi dự định sẽ cam kết với các đại lý phải lấy nhãn hiệu in trên bao bì để thương hiệu gạo của mình được nhiều người biết đến. Điều đó cho thấy, gạo ruộng An Khương đã từng bước có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. “Tôi có nguyện vọng đăng ký thương hiệu độc quyền, được Nhà nước bảo hộ thương hiệu, phát triển rộng rãi ra Bình Dương hay các tỉnh lân cận, để ai cũng biết đến. Như gạo Tiền Giang có những tên nổi tiếng đều đăng ký độc quyền, ai nhái sản phẩm đó cũng không được” - anh Công nói.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Khương cho biết: “Lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã khuyến khích, động viên và sẽ hỗ trợ nhà máy bằng các quy trình, thủ tục, hồ sơ theo thẩm quyền; đồng thời liên hệ cơ quan chức năng hướng dẫn, giúp nhà máy thành lập thương hiệu sản phẩm”.

KHÓ NGUỒN CUNG TẠI CHỖ

Từ câu chuyện thực tế thu mua lúa của nhà máy lớn nhất xã An Khương cho thấy, nông dân đang bị lãng phí về đầu ra tại chỗ, cầu nhiều nhưng nguồn cung không đáp ứng. Anh Công nói: “Đồng bào ở An Khương thường sử dụng giống cũ nên năng suất lúa chỉ tương đối so với khu vực khác”. Ở An Khương, tập quán sản xuất truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Họ làm lúa chỉ để ăn, có dư mới bán. Ngành nông nghiệp huyện đã đầu tư nhiều chương trình áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng lúa thông qua những mô hình trình diễn thí điểm ngay tại cánh đồng, nhằm nhân rộng hiệu quả mô hình, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác chỉ nhờ trời mà không tính đến giá trị kinh tế của đồng bào. Tuy nhiên, sau khi mô hình kết thúc, hết nguồn hỗ trợ ban đầu chỉ khoảng 50% số hộ áp dụng theo phương pháp mô hình trình diễn nhưng số ít tuân thủ khuyến cáo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa. 

 Nguồn cung lúa tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thu mua của nhà máy lớn nhất ở đây, trong khi diện tích lúa An Khương có đến hơn 320 ha, năng suất bình quân 3,3 tấn/ha/vụ đông xuân, vụ hè 4,4-4,5 tấn/ha (do có khoảng 160 ha canh tác được 2 vụ/năm, số còn lại chỉ canh tác 1 vụ do thiếu nước trong mùa khô).

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Khương Nguyễn Văn Lộc cho biết thêm: “An Khương có khoảng 320 ha lúa nước, tập trung tại ấp 3, ấp 5. Thời gian qua, với sự chung tay của hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, cơ bản người dân đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, với đặc thù trên 62% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con chủ yếu trồng theo tập quán truyền thống, không áp dụng khoa học - kỹ thuật, do vậy năng suất chưa đảm bảo. Nhà máy Út Hào hiện thu mua lúa của xã nhưng sản lượng cung cấp không đáp ứng nhu cầu, buộc họ phải mở rộng thị trường thu mua ở các địa bàn khác”.

Gắn chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ là giải pháp ổn định đầu ra đã được ngành nông nghiệp định hướng trong thời gian qua. Ở An Khương, về cơ bản cách làm này đã “nhen nhóm” thông qua việc nhà máy lớn nhất xã đặt cọc tiền mua lúa để người dân có vốn đầu tư phân, giống chăm sóc, nâng cao năng suất. Thế nhưng, để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo nguồn cung thông qua việc nâng cao năng suất, sản lượng lúa là bài toán khó với xã đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất Hớn Quản.

Thanh Mai

  • Từ khóa
42883

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu