Thứ 5, 25/04/2024 11:41:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:48, 21/07/2016 GMT+7

Bài toán khó của ngành giáo dục

Thứ 5, 21/07/2016 | 08:48:00 105 lượt xem

BP - Ngày 19-7, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2016. Đến 17 giờ ngày 19-7, trong số 120 cụm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, gồm 49 cụm thi do sở GD-ĐT, 1 cụm thi do Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng và 70 cụm thi do 70 trường đại học chủ trì, đã có 72 cụm thi công bố điểm, trong đó có 55 cụm thi do 55 trường đại học và 17 sở GD-ĐT công bố (cụm thi do Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Sở GD-ĐT chủ trì ở Bình Phước chưa công bố). 

Như vậy, “giờ G đã điểm”. Đây là khoảng thời gian 887.396 sĩ tử trong cả nước, trong đó có 9.063 sĩ tử của Bình Phước cùng với gấp nhiều lần số đó là phụ huynh và người thân hồi hộp chờ đợi kết quả của quá trình 12 năm đèn sách. Đến khi các trường đại học, cao đẳng công bố điểm trúng tuyển, hàng vạn giọt nước mắt cả vui sướng và đau buồn sẽ rơi. Sau đó là “cuộc đua may rủi” xét nguyện vọng và rồi tiếp tục sẽ có những người mỉm cười, có người tiếp tục rơi nước mắt... Và cứ mỗi mùa thi, lại thêm một lần “ám ảnh” về “bài toán” “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của ngành giáo dục nước ta.

Hiếm nơi nào trên thế giới có kỳ thi THPT quan trọng và được gọi là kỳ thi quốc gia như ở Việt Nam. Bởi vì, trước hết Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Kết quả học tập không chỉ dành cho người học, mà còn là “phần thưởng” hoặc ngược lại là “hình phạt” đối với người thân của mỗi thí sinh. Thứ hai, những người tốt nghiệp đại học thường có cơ hội thuận lợi trong nghề nghiệp, dễ dàng thành đạt trong cuộc đời, thường có cuộc sống sung túc hơn cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy cho con học đại học là ước muốn tha thiết của nhiều bậc làm cha, làm mẹ. Ước mơ học đại học để có một cuộc sống tốt hơn, vẫn là ước muốn cao đẹp của các thế hệ người Việt Nam.

Thế nhưng, đại học có phải là con đường duy nhất để lập nghiệp? Câu hỏi này đã được biết bao nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà báo đặt ra. Và gần như tất cả đều có câu trả lời đó không phải là con đường duy nhất. Nhiều dẫn chứng được nêu lên như Nam Cao, Tô Hoài... chưa qua giảng đường đại học nhưng vẫn trở thành nhà văn nổi tiếng. Đối với những nhà văn ấy, cuộc sống chính là trường đại học lớn nhất, chân chính nhất. Năm 20 tuổi, Bill Gates đã bỏ học, từ giã giảng đường đại học Harvard danh tiếng nhất thế giới để bắt tay vào việc viết những dòng mã lệnh cho hệ điều hành đầu tiên trên máy tính. Dù không học hết đại học, Bill Gates vẫn trở thành người đồng sáng lập, chủ tịch tập đoàn và kiến trúc sư trưởng của Tập đoàn Microsoft nổi tiếng, là một trong những người giàu nhất thế giới. Mark Zuckerberg đang học năm thứ 2 Trường đại học Harvard cũng bỏ học để sáng lập ra mạng xã hội Facebook lớn nhất thế giới hiện nay - ý tưởng ấp ủ từ khi còn ở ký túc xá của trường và cũng trở thành một trong 20 người giàu nhất thế giới khi mới 32 tuổi...

Nhiều câu chuyện được dẫn ra để cho thấy có nhiều người không qua trường đại học hoặc rời bỏ trường đại học nhưng vẫn thành đạt trong cuộc sống. Nhưng rồi, với người Việt Nam, dường như điều đó “không dành cho mình”. Và tâm lý “phải vào đại học” bằng mọi giá, không vào được trường danh tiếng thì vào trường công lập, không vào công lập thì dân lập, không dân lập thì học tại chức, không học tại chức thì học từ xa... Việt Nam đang “thừa thầy, thiếu thợ” - chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng nó vẫn tiếp diễn! Dường như bài toán này quá khó với ngành GD-ĐT của nước ta hiện nay?

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu