Thứ 6, 29/03/2024 00:31:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:21, 15/08/2019 GMT+7

Bài thơ dứt tình

Thứ 5, 15/08/2019 | 15:21:00 604 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lương Thế Vinh xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ ông nổi tiếng là thần đồng, rất giỏi tính toán, không sách nào không đọc, am tường nhiều việc. Khi trưởng thành, ông lấy tên tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên.

Là người rất giỏi Nho học, sách nào cũng đọc, hiểu biết rộng, có tài năng trong lĩnh vực toán học, tôn giáo, âm nhạc..., Lương Thế Vinh chính là người soạn cuốn “Đại thành toán pháp” nổi tiếng, chế tạo ra bàn tính gẩy, là tác giả của “Thích giáo khoa Phật kinh thập giới” nói về 10 điều răn dạy của đức Phật cùng cuốn “Thiền môn giáo khoa”. Ông còn tham gia soạn lễ nhạc triều đình, sáng tác âm nhạc, soạn cuốn “Hý phường phả lục” nói về nghệ thuật chèo như các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa hát. Đặc biệt nhất, Lương Thế Vinh được coi là người đặt nền móng cho loại hình nghệ thuật đặc sắc - múa rối nước.

Sau khi làm lễ vinh quy bái tổ, Lương Thế Vinh đã cưới con gái thầy giáo của mình để báo đáp công ơn dạy bảo. Nhưng với ông, đây không phải là mối tình đầu, mà ngoài mối tình buồn với cô đào nương, Lương Thế Vinh còn có một mối tình nữa nhưng hai người cũng không thể kết thành đôi bởi chính ông đã chủ động khước từ lương duyên này. Tương truyền, sau khi đỗ kỳ thi hương, Lương Thế Vinh về kinh đô Thăng Long ôn luyện thêm kinh sách, chờ ngày vào thi hội. Nhiều cử nhân Nho học cũng tập trung rất đông. Trong số những nho sinh, văn sĩ mới quen biết, có một người nhà ở Hàng Đào rất khâm phục danh tiếng của chàng thanh niên từng được mệnh danh là thần đồng làng Hương, anh tài đất Sơn Nam nên một mực mời ông về nhà mình.

Nhà người bạn mới này gia cảnh khá giả, anh ta có một người em gái tên là Thị Liệu nhan sắc xinh đẹp, được học hành chu đáo, biết làm thơ, vẽ tranh nên có ý muốn gán ghép cho bạn. Qua đôi lần đi lại, gia đình cô gái rất ưng ý nhắm làm con rể, Thị Liệu tỏ ý yêu thương thuận lòng, còn Lương Thế Vinh cũng có cảm tình với người đẹp. Trước hôm vào thi hội, Lương Thế Vinh đến từ biệt Thị Liệu để về quê lấy thêm tiền, gạo và cũng để thưa với cha mẹ tính chuyện mai mối đám này. Khi chia tay, cô gái không nói lời khích lệ mà đưa cho chàng một bài thơ không đề viết bằng chữ Hán: Thủ huề lợi phủ thượng sơn lâm/Nhất thất tiều phu nhật nhập thâm/Yên hạ hoành đao từ bộ chí/Phương môn môn nội hữu tình nhân. Nghĩa là: Tay cầm búa sắc vượt rừng sâu/Một gã tiều phu chẳng đợi lâu/Lưng giắt ngang đao thong thả bước/Cửa vuông, trong cửa đón yêu nhau.

Đọc xong bài thơ, Lương Thế Vinh rất buồn, chàng hiểu ngay ý nghĩ của cô gái, nàng tỏ vẻ kiêu kỳ, hóa ra tình cảm có động cơ khác, chỉ say mê mình vì danh vọng, cô muốn nếu thi đỗ thì mới có chuyện tình duyên, còn không thì đừng nghĩ đến nữa... Tình yêu toan tính đó thật khó mà bền lâu được, suy nghĩ chốc lát, Lương Thế Vinh viết một bài thơ tứ tuyệt họa lại gửi nàng: Hà lao tâm lực nhập sơn lâm/Thế vấn xuân quang sắc thiểu thâm/Bất dụng yên đao nguyên nhật chỉ/Kinh sư bất thiểu hữu tình nhân. Nghĩa là: Cần chi vất vả tới rừng sâu/Thử hỏi ngày xuân được bấy lâu?/Giữa hội chẳng cần đao dẫu quý/Kinh kỳ nào thiếu kẻ yêu nhau.

Qua bài thơ, Lương Thế Vinh đã nói rõ quan điểm của mình rằng, với ông hôn nhân và tình yêu phải ở tình cảm chân thành, nếu yêu vì danh, vì lợi thì không thể có hạnh phúc. Thế là từ đó, Lương Thế Vinh không bao giờ qua lại nhà cô gái đó nữa và rồi quên hẳn mối duyên tình này để lo  chuyện thi cử, quan trường và gia đình.

Lời bàn:

Từ trước đến nay, chưa một ai có thể định nghĩa được chính xác về tình yêu, có người nói rằng yêu là sự khoan dung, thông cảm và ở cạnh nhau trong mọi hoàn cảnh; có người lại nói, yêu là hy sinh, là cho đi tình cảm của mình mà không cầu nhận lại. Tuy nhiên, có điều không ai có thể phủ nhận, đó là “Có ai sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào?”. Bởi lẽ, trong cuộc đời của mỗi con người, thời gian đẹp nhất là có tình yêu. Tình yêu như một thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống, dẫu đẹp hay khổ đau thì cuối cùng nó vẫn đáng được trân trọng và gìn giữ. Tiếc rằng không phải chỉ ở ngày nay, mà ngay từ ngày xưa đã có không ít người quan niệm sai lệch về tình yêu. Bởi thế mới có người yêu nhưng lại gắn với sự toan tính, lại ra điều kiện và chuyện tình của cô gái Thị Liệu với Lương Thế Vinh trong giai thoại này là một minh chứng.

Tiếc rằng, nhiều bạn trẻ ngày nay học theo cái xấu của người xưa, nên có người xem tình yêu như một trò chơi, yêu đương chớp nhoáng, hoặc tình tay ba, tay tư, hết sức hỗn loạn. Có nhiều người xem tình yêu là thứ để kinh doanh, vụ lợi, nhân danh tình yêu để lợi dụng người yêu của mình, làm họ bị tổn thương sâu sắc. Thậm chí có người coi việc yêu đương là để thỏa mãn tham vọng chinh phục, thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân, chán thì lại bỏ rơi không thương tiếc, đầy tàn nhẫn. Đó là biểu hiện của suy đồi đạo đức, sự xuống cấp trong nhân cách của lớp trẻ. Vâng, mọi chuyện trên đời đều có căn nguyên của nó, hãy nhẹ nhàng chấp nhận và buông bỏ, đừng cố giữ những suy nghĩ cố hữu để làm hại thân, hại người. Vâng, vạn sự tùy duyên là vậy đó!

N.D

  • Từ khóa
110219

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu