Thứ 6, 26/04/2024 00:06:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:00, 21/03/2014 GMT+7

Bài học từ việc phạt học sinh ăn ớt ở trường Tiểu học Hoàng Diệu

Thứ 6, 21/03/2014 | 08:00:00 1,395 lượt xem

Với lý do học sinh hay nói chuyện riêng và không học bài, 3 giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) đã phạt học sinh bằng cách cho ăn ớt. Sự việc đã khiến dư luận xôn xao, bức xúc vì giáo viên sử dụng phương pháp phản giáo dục. Nhận được thông tin, phóng viên Báo Bình Phước đã đến xác minh sự việc.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Phương Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu thừa nhận việc các giáo viên của trường phạt học sinh ăn ớt vì nói chuyện riêng trong lớp và không học bài. Đó là cô Lê Thị Ánh Tuyết, chủ nhiệm lớp 4B1 phạt 12 học sinh ăn ớt; thầy Nguyễn Tiến Giáp, chủ nhiệm lớp 4B2 phạt 4 học sinh ăn ớt và cô Nguyễn Thị Hương, chủ nhiệm lớp 5B1 phạt 3 em ăn ớt. Các lớp học này thuộc điểm lẻ của trường ở thôn Bù Gia Phúc 1. Bà Minh giãi bày: Vào khoảng 8 giờ thứ Năm, ngày 20-2 có 2 phụ huynh đến gặp Ban giám hiệu trình bày việc giáo viên của trường sử dụng phương pháp dạy học không đúng với học sinh. Đến giờ ra chơi, hiệu trưởng đã mời 2 giáo viên lên để làm rõ sự việc. Qua trao đổi, 2 cô giáo đã thừa nhận việc làm của mình và ghi rõ trong bản tường trình nộp Ban giám hiệu. Ngay sau đó, Ban giám hiệu cùng giáo viên trực tiếp đến từng nhà gặp phụ huynh để xin lỗi và tiếp tục điều tra sự việc. Qua điều tra, phát hiện thêm tại điểm trường Bù Gia Phúc 1 có thầy Nguyễn Tiến Giáp, chủ nhiệm lớp 4B2 cũng có hành vi tương tự. “Thấy cô Tuyết hù học sinh ăn ớt có hiệu quả, thầy Giáp cũng bắt chước sang lớp cô Tuyết xin một quả ớt về đe học sinh lớp mình...” - bà Minh cho hay.


Ngôi trường có 19 học sinh bị phạt ăn ớt

Trong bản tường trình, cô Lê Thị Ánh Tuyết trình bày: “Ngày 11-2 sau kỳ nghỉ tết, trong giờ dạy tôi đã hù dọa học sinh là sẽ cho ăn ớt nếu các em còn nói chuyện riêng và không học bài. Tôi đã nói hôm sau sẽ mua ớt, mấy hôm sau, học sinh có hỏi nhưng tôi nói là cô quên. Đến ngày 17-2, em Nguyễn Thị Hường có mang ớt ở nhà đến và để trên bàn giáo viên. Nhưng cả ngày hôm đó tôi vẫn không phạt học sinh ăn ớt vì tôi chỉ dọa các em. Đến ngày 18 và 19-2, trong lúc bực tức học sinh không học bài, làm bài và nói chuyện riêng trong lớp nên tôi đã cho những học sinh Điểu Chương, Hoàng Phi Hùng, Điểu Bảy, Điểu Tuấn, Điểu Bình ăn ớt”.

Sau sự việc, ngày 25-2, Ban giám hiệu đã họp xử lý vi phạm 3 giáo viên trên. Chủ trì buổi họp là bà Bùi Thị Phương Minh, Hiệu trưởng. Buổi họp có đại diện hội cha mẹ học sinh, đại diện phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập cùng 16 phụ huynh có con em bị phạt ăn ớt. Theo biên bản tại buổi họp, phụ huynh học sinh đã nêu ra 6 ý kiến và đều cho rằng các thầy, cô giáo phạt các em ăn ớt là không đúng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, các thầy, cô giáo vì muốn giúp học sinh tiến bộ nên mới hù dọa. Sau việc làm sai trái này, các giáo viên đã thành khẩn nhận lỗi và đã xin lỗi. Vì các thầy, cô chỉ vi phạm lần đầu nên các phụ huynh đề nghị trường giảm nhẹ hình phạt để họ tiếp tục làm công tác chủ nhiệm như cũ.

Theo đánh giá của cô Minh, cả 3 giáo viên trên tuổi đời còn trẻ nhưng chuyên môn vững, lại tâm huyết với nghề, được phụ huynh quý mến, học sinh tin yêu từ trước tới nay. Bà Minh cho rằng, chỉ vì nóng giận nhất thời nên các thầy, cô này đã có hành vi giáo dục học sinh không đúng, vi phạm quy chế, nội quy của nhà trường. Kết luận biên bản cuộc họp, nhà trường đã kỷ luật với hình thức cắt thi đua của 3 thầy, cô trong năm học 2013-2014. Riêng cô Lê Thị Ánh Tuyết cho nghỉ làm khối trưởng khối 4, đưa ra khỏi nguồn phát triển Đảng, nghỉ thành viên ban thanh tra nhân dân. Hình thức này được các đối tượng dự họp thống nhất, tán thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Điểu Keng, phụ huynh em Điểu Kiểm, lớp 4B1 cho rằng, việc làm của cô Lê Thị Ánh Tuyết là không phù hợp để giáo dục học sinh. Tuy nhiên cô Tuyết đã nhận ra hành vi của mình sai và đến tận nhà xin lỗi phụ huynh, học sinh. “Cô Tuyết có năng lực, nhiệt tình, luôn quan tâm đến học sinh, vì thế chất lượng giáo dục của lớp ngày càng cao” - ông Điểu Keng nhận xét. Cũng theo ông Điểu Keng, sự việc này cho thấy có một phần lỗi từ phía phụ huynh. Do điều kiện kinh tế, trình độ học vấn thấp, phải đi làm ăn xa nên một số phụ huynh phó mặc việc học hành, dạy dỗ con cái cho thầy, cô giáo. Được biết, toàn trường Tiểu học Hoàng Diệu có 420 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 84%.

Ông Ngô Liền, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết, việc 3 giáo viên sử dụng phương pháp giáo dục trên là bài học kinh nghiệm cho giáo viên và phụ huynh trong việc giáo dục con em. Sự việc là bài học cảnh tỉnh đối với nhiều giáo viên khác. Về hình thức kỷ luật, ông Ngô Liền khẳng định ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. “Hiện trường đã báo cáo sự việc với cấp trên, còn việc xử lý kỷ luật đối với 3 giáo viên thì phòng chưa nhận được văn bản” - ông Ngô Liền nói.

Vũ Thuyên

 

  • Từ khóa
83999

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu