Thứ 6, 26/04/2024 00:45:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:54, 31/01/2018 GMT+7

Bài học từ các trạm BOT

Thứ 4, 31/01/2018 | 13:54:00 252 lượt xem
BP - Người xưa có câu thành ngữ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu chiết tự thì câu này có nghĩa: tiên là trước, hậu là sau, kỷ là bản thân mình, nhân là người (người đời). Và ý nghĩa của câu này là bất cứ một ai khi phán xét việc gì đó trước hết phải nhìn nhận lại bản thân, xem mình thế nào rồi hãy nói đến người khác.

Nếu như các cơ quan chức năng hiểu rõ ý nghĩa của câu thành ngữ này và làm hết trách nhiệm của mình thì chắc chắn đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và cả những hành vi cố tình cản trở giao thông của nhiều tài xế trong thời gian qua ở các trạm BOT. Theo Báo Giao thông điện tử ngày 5-12-2017, trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về BOT Cai Lậy chiều 4-12, lực lượng cảnh sát giao thông đã ghi nhận có 14 xe thường xuyên qua lại Trạm BOT Cai Lậy để gây rối, kích động, cản trở giao thông. Đa số là xe mang biển kiểm soát tỉnh ngoài. Có một số tài xế cố tình dùng “chiêu” để gây rối, cản trở việc thu giá BOT. Đặc biệt, đã xuất hiện một số thành phần quá khích tập trung tại khu vực trạm thu phí để kích động quần chúng xung quanh, đe dọa nhân viên phân làn và nhân viên thu giá, cản trở không cho các tài xế mua vé qua trạm, tụ tập dưới làn thu giá để quay video phát trực tiếp trên mạng xã hội. Lại có tài xế cố tình hỏi lòng vòng về chế độ chính sách... để kéo dài thời gian và không chịu cho xe di chuyển tới điểm giải đáp thắc mắc theo hướng dẫn của nhân viên thu giá. Cũng có trường hợp tài xế cố thủ trong buồng lái và không chịu nộp tiền vé hoặc cố tình cho xe đậu trên phần đường xe đang lưu thông làm cản trở các phương tiện đi vào làn thu giá, dẫn đến ùn tắc kéo dài.

Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư - Trạm thu phí Thanh Lương (Ảnh chỉ mang tính minh họa)  -  Ảnh: K.B

Thậm chí, khi trạm thu phí đóng làn để thu trở lại thì có một số đối tượng đã đẩy các barie tự động ra cho những phương tiện khác vượt làn, ngăn chặn không cho nhân viên tiến hành thao tác bán soát vé ngoài hiện trường. Hành vi phổ biến nhất là đưa tiền mệnh giá thấp để kéo dài thời gian giao dịch giữa tài xế và nhân viên thu giá gây ùn tắc các phương tiện phía sau. Khi được nhân viên hướng dẫn vào vị trí thu tiền mệnh giá thấp (được bố trí riêng) tài xế cố tình không di chuyển theo hướng dẫn mà đòi mua vé tại làn. Các sự việc này diễn ra với tần suất rất dày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động tại trạm thu phí, gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn mất an toàn, ùn tắc giao thông tại khu vực... Và nghiêm trọng hơn, trước sự giải quyết không dứt điểm của cơ quan có trách nhiệm, các chiêu trò của nhiều tài xế ở Trạm BOT Cai Lậy đã được áp dụng với nhiều trạm BOT khác như: cầu Hạc Trì, quốc lộ 32, quốc lộ 6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên, Trảng Bom - Biên Hòa, Sóc Trăng, Cần Thơ - Phụng Hiệp, Sông Phan, Ninh An...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song trong bài viết chỉ xin đề cập tới nguyên nhân thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng. Theo ý kiến của cá nhân người viết bài thì đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đã nêu ở các trạm BOT trong cả nước thời gian qua. Đó là, tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định rõ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông. Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP cũng quy định: Người điều khiển xe ôtô có hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông” thì bị phạt tiền từ 1.200.000 đến 2.000.000 đồng.

Chưa hết, đối với trường hợp người điều khiển xe ôtô cố ý không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Cụ thể, Điểm b, Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với nội dung như sau: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

Vâng, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về các chế tài đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Song, tiếc là thời gian qua, có rất nhiều tài xế quá khích, cố tình vi phạm pháp luật nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý nghiêm. Chính vì điều này đã dẫn tới tình trạng nhiều lái xe lợi dụng sự sơ hở và nương nhẹ của các cơ quan chức năng rồi coi thường pháp luật. Để đến khi sự việc xảy ra và làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18-1-2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, thì Tổng cục đường bộ Việt Nam mới có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT, các cục quản lý đường bộ và sở giao thông - vận tải các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành việc lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí BOT quá 5 phút.

Theo phản ánh của Báo Giao thông, trong ngày 25-1, tất cả trạm BOT đều đã lắp biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” và tình hình an ninh trật tự ổn định, các trạm hoạt động bình thường, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Như vậy, nếu các cơ quan chức năng làm tròn trách nhiệm thì đã không xảy ra tình trạng cố tình vi phạm pháp luật ở các trạm BOT trong thời gian qua, đồng thời những kẻ xấu không có cơ hội để kích động các tài xế quá khích làm liều. Đến đây chắc ai cũng đã hiểu rõ giá trị của bài học “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Trung Hiếu

  • Từ khóa
93478

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu