Thứ 6, 29/03/2024 13:24:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:33, 20/04/2018 GMT+7

Bài học từ Bạch Đằng Giang

Thanh Hải
Thứ 6, 20/04/2018 | 15:33:00 1,498 lượt xem
BP - Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp trên cả nước. Trong đó có nhiều con sông gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, song Bạch Đằng Giang là địa danh đặc biệt nhất, bởi nó gắn liền với 3 trận thủy chiến oanh liệt. Và những trận chiến ấy đã trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, chống lại những thế lực ngoại xâm lớn mạnh gấp bội lần.

Lần thứ nhất là năm 938, khi quân Nam Hán do Hoằng Tháo dẫn 2 vạn thủy quân theo đường biển xâm phạm nước ta. Nghe tin, Ngô Quyền bèn tập hợp tướng lĩnh, chuẩn bị mọi mặt để chống giặc. Ông bày kế cho chế cọc gỗ nhọn, đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Lúc thủy triều dâng, bãi cọc khuất hết, quân ta vừa đánh vừa nhử địch, đợi lúc thủy triều rút, mượn theo sức nước quân ta đánh thốc từ trên xuống. Thuyền quân Hán lớn, mắc vào bãi cọc, Ngô Quyền cho dùng thuyền nhỏ, luồn lách đánh quân Hán thua tan tác.

Lần thứ hai, vào năm 981, vua nhà Tống khi đó là Tống Thái Tông xua quân xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy do tướng địch Hầu Nhân Bảo thống lĩnh vào đến Lục Đầu Giang thì thất trận phải tháo chạy theo hướng Bạch Đằng. Trước đó, Lê Hoàn đã cho quân sĩ đóng cọc ở cửa sông, giăng bẫy đợi sẵn. Ngày 28-4-981, quân Tống đang thoái thủy thì bị chặn đánh. Thấy quân ta ít, địch nghĩ có thể đánh một trận oai thù. Thế nhưng, vừa khi thủy triều đổi hướng, quân ta giả thua bỏ chạy ra cửa biển, quân Tống thúc thuyền đuổi theo. Chiến thuyền của địch lao đầu vào bãi cọc nên thuyền bị chìm và quân địch kẻ chết đuối, người bị truy kích, cả Hầu Nhân Bảo cũng bỏ mạng trong đám loạn quân ấy.

Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ ba vào năm 1288 gắn liền với tên tuổi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Khi đó, ông cùng vua tôi nhà Trần đánh tan giặc Nguyên - Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Lần này, thủy tướng địch Ô Mã Nhi thống lĩnh 5 vạn quân tiến vào sông Bạch Đằng. Khi giáp trận, quân ta theo kế cũ nhử địch vào thủy trận, rồi ồ ạt tổng phản công khiến quân địch không kịp trở tay. Kết quả, quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền, bắt sống tướng địch Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ.

Một câu hỏi được đặt ra từ nhiều thế kỷ nay, là: Vì sao biết rõ Bạch Đằng Giang là cửa ải khó vượt qua, nhưng quân xâm lược phương Bắc vẫn cứ bị dính bẫy? Câu trả lời là ở mưu lược tài ba và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đã 730 năm kể từ ngày quân dân nhà Trần chiến thắng giặc trên sông Bạch Đằng lần thứ ba, song bài học của tổ tiên vẫn đã, đang được hậu thế phát huy trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền về biển đảo và những bãi cạn ở quần đảo Trường Sa.

Cùng đoàn cán bộ của tỉnh đi thăm, tặng quà và động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa từ ngày 5 đến 12-4-2018, phóng viên Báo Bình Phước đã được chứng kiến và ghi lại những hình ảnh về việc cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa áp dụng một cách sinh động, sáng tạo bài học của tổ tiên trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng vào bảo vệ biển đảo và các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.

Ở đảo Trường Sa Lớn có 2 lớp cọc bảo vệ. Lớp ngoài cùng là những cục bê tông cốt thép ba cạnh nặng 35 tấn/cục và được xếp thành hàng rào vững chắc. Lớp cọc này có tác dụng chắn sóng, làm giảm áp lực của sóng biển và chống xói lở bờ đảo. Lớp cọc nhỏ bên trong được đóng ở những chỗ cạn có tác dụng chống quân địch đổ bộ bằng xuồng khi thủy triều lên.

Bãi cọc ngầm bảo vệ quanh chân đảo Núi Le B. Với bãi cọc này, dù thủy triều lên hay xuống thì việc đổ bộ vào đảo bằng xuồng là không thể.

Bãi cọc ở đảo Thuyền Chài A được đóng cách xa đảo khoảng từ 1,2-1,5km để bảo vệ đảo từ xa. Trong ảnh là tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Khánh Hòa neo đậu ngoài bãi cọc chờ mặt trời lặn thì bật đèn sáng để câu cá mực.

Bãi cạn ở đảo Tiên Nữ cũng được bảo vệ bằng hàng rào cọc sắt và bê tông từ xa.

  • Từ khóa
93552

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu