Thứ 6, 29/03/2024 18:21:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:44, 03/07/2015 GMT+7

Bài học đáng suy ngẫm

Thứ 6, 03/07/2015 | 14:44:00 3,668 lượt xem
BP - Với 404/419 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, ngày 22-6, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Đây là lần đầu tiên trong quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nước ta có một điều luật chưa đi vào cuộc sống đã bị phản ứng gay gắt, buộc phải xem xét sửa đổi. Mặc dù theo ý kiến của các cơ quan tham mưu soạn thảo và các chuyên gia pháp luật thì những quy định trong Điều 60, Luật BHXH được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 20-11-2014 tại kỳ họp thứ 8 không có gì sai trái. Thậm chí, đây là quy định mang tính nhân văn, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khi về già sẽ có lương hưu để đảm bảo cuộc sống.

Tuy nhiên trên thực tế, chuyện hưởng lương hưu đối với công nhân làm việc ngoài khu vực nhà nước là điều rất khó trở thành hiện thực. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên phần lớn công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ làm việc trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm rồi về quê tìm công việc khác. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cố tình không giữ chân công nhân gắn bó làm việc lâu dài mà thường xuyên “đào thải, thay máu”, tuyển lao động mới bằng các hợp đồng ngắn hạn để giảm chi phí tiền lương và các khoản bảo hiểm bắt buộc phải nộp. Vì vậy, người lao động không có cơ hội làm việc lâu dài để đóng BHXH cho đến khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Nếu so với Luật BHXH năm 2006 thì rõ ràng những quy định trong Điều 60, Luật BHXH năm 2014 là bất lợi đối với những người lao động làm việc trong thời hạn ngắn. Công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã đình công để phản ứng quy định của Điều 60 là chuyện có thể hiểu và thông cảm bởi vì họ bị tước mất quyền được lựa chọn một trong hai phương án bảo lưu và tiếp tục đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc nhận một lần. Rất mừng là Chính phủ đã lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Qua đó trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết điều chỉnh Điều 60, Luật BHXH năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nhân đây cũng xin đề cập đến vấn đề Quốc hội thảo luận các nội dung trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị bỏ án tử hình đối với một số tội danh, trong đó có tội tham nhũng bởi vì đây là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm và lập luận như vậy là đúng nhưng chưa... trúng! Bởi vậy trong giai đoạn chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì không thể “nương tay” với tội phạm tham nhũng mà cần phải xử lý thật nghiêm để làm gương. Bao giờ tham nhũng được đẩy lùi, những người thực thi công vụ cảm thấy sợ hành vi tham nhũng, đến lúc đó chúng ta sẽ nghiên cứu sửa luật (bỏ án tử hình) cũng chưa muộn.

Ông cha ta đã đúc kết “cẩn tắc vô áy náy”, trong mọi công việc nếu chúng ta cẩn trọng, tỉ mỉ thì sẽ không có chỗ cho sai lầm và thiếu sót. Bởi vì chỉ cần một sự bất cẩn cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường. Việc xây dựng pháp luật càng phải rất cẩn trọng, chặt chẽ, xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, không mang tính áp đặt. Những quy định của luật phải đáp ứng được các yêu cầu: đúng, trúng và phản ánh được tình hình thực tế của đời sống xã hội. Những quy định không phù hợp, khó khả thi cần được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh một cách kịp thời.

Chính Trực

  • Từ khóa
13364

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu