Thứ 4, 24/04/2024 00:20:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:15, 29/04/2016 GMT+7

Bài học của mọi người

Thứ 6, 29/04/2016 | 13:15:00 145 lượt xem
BP - Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có rất nhiều mẩu chuyện có dung lượng ngắn nhưng nội dung lại có ý nghĩa giáo dục rất cao. Trong cuốn sách này có mẩu chuyện “Thượng đế không phụ lòng người”. Nội dung mẩu chuyện cho biết, người Do Thái rất khâm phục Christopher Colombo vì ông này là tấm gương sáng về lòng tin kiên định vào việc làm của chính mình.

Vào một ngày hè hồi giữa thế kỷ XV, nhà hàng hải Colombo đã dẫn con thuyền thám hiểm từ đảo Haiti trở về Tây Ban Nha an toàn. Khi thuyền mới khởi hành, thủy thủ trên thuyền đều lầm rầm cầu nguyện xin thượng đế phù hộ cho sóng yên biển lặng. Không ngờ đoàn thuyền vừa tới đảo Haiti không lâu thì thời tiết thay đổi mạnh, trên trời mây đen mù mịt, sấm chớp dữ dội, sóng to gió lớn nổi lên. Đó là trận bão dữ dội nhất mà Colombo được chứng kiến trong cuộc đời mình. Nhiều người rên rỉ: “Phen này chắc chắn phải làm mồi cho cá rồi”.

Christopher Colombo nói với viên thuyền trưởng rằng: Chúng ta có thể phải hy sinh nhưng tư liệu quý đã sưu tầm được trong chuyến đi thám hiểm này phải để lại vẹn toàn cho nhân loại. Tiếp đó, ông đã gói ghém các tư liệu cần thiết cho vào bình thủy tinh niêm phong thật kỹ rồi vứt xuống biển. Khi đó, trong ông đầy lòng tự tin và nói rằng: Chắn chắn sẽ có ngày nào đó chiếc bình thủy tinh này trôi dạt đến bờ biển Tây Ban Nha.

Thật là may mắn, đoàn thuyền của Colombo trong chuyến đi đó đã thoát hiểm, an toàn trở về Tây Ban Nha. Năm 1856, tức phải mất trên 300 năm sau khi xảy ra vụ bão táp nói trên, chiếc bình thủy tinh đã được tìm thấy tại vịnh Biscan - Tây Ban Nha. Đúng là thượng đế không phụ lòng người.

Cũng trong cuốn sách trên có mẩu chuyện viết về sự thành công vĩ đại của nhà bác học Einstein được cả thế giới công nhận và tán dương. Mặc dù ông vốn xuất thân từ một gia đình Do Thái sống ở Đức và trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Hồi học tiểu học và trung học, thành tích  học, tập của ông không nổi trội lắm. Hồi đó Einstein tự phân tích đánh giá năng lực bản thân, thấy thành tích các môn học không thật tốt nhưng riêng hai môn số học và vật lý lại nổi bật. Vì vậy, ông quyết tâm đặt mục tiêu vào hai môn đó và đã xin vào học tại khoa vật lý của một trường đại học ở Thụy Sĩ.

Với việc xây dựng cho mình những mục tiêu chính xác kết hợp tinh thần cần cù, ham học đã giúp Einstein phát huy hết khả năng của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tích lũy được khối kiến thức lớn năm 26 tuổi. Ông đã viết được bản luận văn khoa học tiêu đề “Các trắc định mới kích thước phân tử”. Sau đó, ông liên tục công bố bốn luận văn khoa học quan trọng, phát triển khái niệm về lượng tử của Planck, phát hiện được lượng tử quang ngoài hình dạng sóng còn có dạng hạt, tức lưỡng tính sóng - hạt. Ông đã xây dựng Thuyết tương đối luận hẹp - một sự thay đổi lớn về nhận thức của loài người đối với vũ trụ.

Einstein đã miệt mài nghiên cứu trên 10 năm trời, cuối cùng đã giành được thành công đột phá trong ba lĩnh vực: Thuyết tương đối luận hẹp, Lý luận hiệu ứng quang điện và Vận động Planck. Có một sự kiện quan trọng chứng tỏ Einstein kiên trì theo đuổi mục tiêu và đánh giá đúng sức mình. Năm 1952, khi vị Tổng thống đầu tiên của Israel qua đời, ông đã được mời về kế nhiệm làm tổng thống nhưng ông đã thực tâm xin từ chối để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Thực tế một người giỏi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chưa chắc đã giỏi làm chính trị.

Lời bàn:

Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã có quá nhiều bài học về lòng kiên trì, đức tính siêng năng và ý chí quyết tâm theo đuổi ước mơ. Và điều mà mọi người đều thấy ở những vĩ nhân, những con người thành công trong cuộc sống, dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì tất thảy họ đều là những người biết người, biết ta. Bởi thế người xưa mới có câu rằng: “Biết địch, biết ta thì trăm trận trăm thắng và ngược lại”. Và với Einstein là một minh chứng. Ông được coi là nhà khoa học lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX, một nhà bác học thiên tài về vật lý. Điểm mạnh điển hình của ông là luôn luôn đặt ra mục tiêu cụ thể và kiên trì phấn đấu để thực hiện bằng được mục tiêu mà mình đã đề ra.

Và thực tế cuộc sống của nhân loại đã chứng minh rằng, một người giỏi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chưa chắc đã giỏi làm chính trị. Một nhà thơ thiên tài, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ là nhà kinh tế lỗi lạc và càng không thể là một nhà quản lý xã hội tài ba. Và để đạt được vinh dự trong lĩnh vực mình có khả năng, không người nào được xã hội tôn vinh mà lại không có ý chí và nghị lực phấn đấu siêu phàm. Thế mới hay rằng, trong thực tế cuộc sống hay trên đường đua ngoài đời, nếu không đặt ra mục tiêu rõ rệt thì không những chẳng bao giờ vượt qua khó khăn, thách thức mà thậm chí còn bị gục ngã trước phong ba, bão táp của cuộc đời. Và đây chính là lời giải vì sao dân tộc Do Thái có nhiều người thông minh. Vì họ biết dạy con từ khi còn nhỏ bằng những tấm gương phấn đấu quên mình cho sự nghiệp và tương lai.

ND

  • Từ khóa
109785

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu