Thứ 6, 29/03/2024 05:04:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:52, 13/02/2020 GMT+7

Bài học cho hậu thế

Ngọc Diệp
Thứ 5, 13/02/2020 | 15:52:00 2,784 lượt xem
BPO - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm 571, sau khi lập mưu giết hại Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử đã nắm quyền thống trị toàn cõi. Tuy nhiên, đó chỉ là một chính quyền rất yếu kém và bạc nhược, trong thì không ban hành được một chính sách trị nước tích cực nào đáng kể, ngoài thì không thực hiện được một biện pháp hữu hiệu nào để phòng bị cho quốc gia. Đối với các tập đoàn phong kiến thống trị Trung Quốc, vấn đề xua quân sang xâm lược và tái thiết nền đô hộ nước ta chỉ còn là thời điểm cụ thể.

Chính quyền Lý Phật Tử sở dĩ tạm thời được ổn định trong khoảng 31 năm (từ năm 571-602) là vì tình hình Trung Quốc lúc bấy giờ cũng chưa thật sự yên tĩnh. Năm 604, Tùy Văn đế bị chính con trai mình là Dương Quảng giết hại để giành ngôi và đã xóa bỏ được cục diện Nam - Bắc triều của Trung Quốc và lập ra nhà Tùy (nhà Tùy tồn tại trước sau tổng cộng 37 năm, từ năm 581-618, và truyền nối được tất cả 3 đời. Kinh đô của nhà Tùy là Đại Hưng, (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).

Năm 590, để mở rộng và khẳng định quyền chi phối của mình ở Lĩnh Nam, nhà Tùy đã lập ra Phủ Tổng quản tại Quế Châu, giao chức Tổng quản cho Linh Hồ Li đảm trách. Với chức vụ này, Linh Hồ Li có quyền uy rất lớn, được phép cắt đặt tất cả quan lại từ hàm thứ sử trở xuống. Đây chính là bước chuẩn bị cho cuộc Nam chinh của nhà Tùy, cũng là mối đe dọa lớn nhất đối với độc lập và chủ quyền của nước Vạn Xuân. Bấy giờ, Lý Phật Tử tuy chưa từng đến Phủ Tổng quản để yết kiến, nhưng trên danh nghĩa công khai thì đã chịu thần phục Tổng quản Linh Hồ Li, tức là đã hoàn toàn chịu thần phục đối với triều đình nhà Tùy.

Đầu năm 602, lấy cớ Lý Phật Tử không chịu vào chầu, triều đình nhà Tùy đã sai các tướng Lưu Phương và Kinh Đức Lượng  đem khoảng 10 vạn quân đi đánh Vạn Xuân. Lý Phật Tử đã đầu hàng tướng Lưu Phương và lập tức bị Lưu Phương bắt về Trung Quốc. Ách đô hộ của nhà Tùy được thiết lập tại Vạn Xuân trong 16 năm (từ năm 602-618). Năm 618, Lý Uyên phế truất ngôi hoàng đế mới lập của Dương Hựu (tức Tùy Cung đế) rồi lập ra nhà Đường). Cụ thể, Lý Uyên đã bất ngờ khởi binh chống lại nhà Tùy và đúng 1 năm sau thì chính Lý Uyên lật đổ được nhà Tùy, lập ra triều đại mới của lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc là nhà Đường (từ năm 618-907).  

Ngay sau khi lật đổ nhà Tùy, nhà Đường đã thay nhà Tùy đô hộ nước ta. Năm 622, Đường Cao Tổ đã cho lập ra Giao Châu Đô hộ phủ. Đến năm 679, Đường Cao Tông cho đổi Giao Châu Đô hộ phủ thành An Nam Đô hộ phủ. Lúc này, An Nam Đô hộ phủ quản lãnh 12 châu vùng đồng bằng, với tổng cộng 59 huyện. Bấy giờ, lợi dụng việc triều đình không thể nào kiểm soát hết dân tình ở tất cả những nơi xa xôi cách trở nên bọn quan lại đô hộ đã ra sức tìm cách vơ vét tài sản của nhân dân ta. Trong thế kỷ thứ VII, Khâu Hòa, nguyên là Thái thú quận Giao Chỉ dưới thời nhà Tùy, sau đó được nhà Đường lưu dụng và cho giữ chức Giao Châu Đô hộ phủ. Ở Giao Châu Đô hộ phủ, Khâu Hòa là người đầu tiên được giữ chức này và Lưu Diên Hựu, là kẻ giữ chức An Nam Đô hộ phủ đầu tiên.

Vốn đã uất hận vì cảnh nước mất nhà tan lại phải chịu thêm nạn bị bọn quan quân đô hộ tước đoạt trắng trợn, dân khắp cõi đương thời ai ai cũng đều căm tức. Mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt và đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những cuộc vùng lên tấn công không khoan nhượng vào toàn bộ cơ đồ thống trị của bọn ngoại bang. 2 lãnh tụ cũng là 2 danh tướng nổi tiếng nhất thế kỷ thứ VII chính là Lý Tự Tiên và Đinh Kiến.

Lời bàn:

Sau khi chiếm nước ta vào năm 203 (trước Công nguyên), Triệu Đà đã thực hiện chính sách ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa bằng ngôn ngữ. Tiếp đó, sau hơn 1.000 năm bị các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau thống trị và cưỡng bức đồng hóa từ phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết và thậm chí cả về giống nòi, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán của riêng mình. Đây quả là điều kỳ diệu và trong lịch sử nhân loại có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được.

Vậy, vì sao tổ tiên ta có thể làm được kỳ tích ấy? Có người nói đó là do dân ta giàu tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt... Nói như vậy mới chỉ đúng một phần và còn rất chung chung. Thực tế cho thấy tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải chỉ bằng đấu tranh vũ trang mà còn kết hợp với tài trí của mình. Đó là, vì sớm hiểu rõ ý đồ thâm hiểm của phong kiến phương Bắc là muốn đồng hóa dân tộc ta nên tổ tiên ta đã kịp thời đề ra đối sách. Cụ thể đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình. Bởi vì, lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng, dân tộc nào giữ được tiếng nói của mình thì dân tộc đó sẽ không bao giờ bị dân tộc khác đồng hóa. Và bài học lịch sử mà tổ tiên để lại cho hậu thế ngày nay là “Tiếng ta còn thì nước ta còn”!

  • Từ khóa
110288

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu