Thứ 4, 24/04/2024 15:06:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:34, 06/08/2016 GMT+7

Bạch hầu chưa qua, sốt xuất huyết đã đến

Thứ 7, 06/08/2016 | 07:34:00 225 lượt xem
BP - “Kinh phí y tế dự phòng năm 2016 được xây dựng từ đầu năm với tổng dự toán gần 2 tỷ đồng, riêng dự phòng cho công tác phòng bệnh sốt xuất huyết là 698,214 triệu đồng nhưng đến giờ chưa có đồng nào. Mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh hiện đã chạm đến con số 1.321 người, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần này, tôi xem lại số liệu nếu cần thiết thì đề nghị công bố dịch” - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Văn Sáu chia sẻ.

GIẬT MÌNH SỐ CA MẮC SỐT XUẤT HUYẾT

Sau một tuần nằm viện vì sốt xuất huyết, ông Nguyễn Văn Riết ở khu phố Trung Lợi, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành mới rút ra bài học “muỗi quá nên sốt”. Nhà của ông nằm bên đường bê tông láng nhựa nhưng hai bên hông và sau nhà đều bị cây cao su che phủ. Cách vườn nhà ông Riết hàng rào dây kẽm gai, gia đình ông Phạm Văn Hải cũng nằm gọn trong vườn cao su rậm rịt. Gia đình ông Hải có 3 người, thì cả 3 đều mắc bệnh sốt xuất huyết.

Nhà của ông Nguyễn Văn Riết được xây trong lô cao su nên thành viên trong gia đình thường xuyên bị muỗi chích (ảnh lớn). Vật dụng chứa nước sẽ tạo môi trường lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát tán trên diện rộng (ảnh nhỏ)Nhà của ông Nguyễn Văn Riết được xây trong lô cao su nên thành viên trong gia đình thường xuyên bị muỗi chích (ảnh lớn). Vật dụng chứa nước sẽ tạo môi trường lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát tán trên diện rộng (ảnh nhỏ)

Chưa có số liệu thống kê chính xác khu phố Trung Lợi có bao nhiêu người mắc sốt huyết nhưng đây là ổ bệnh sốt xuất huyết điển hình ở huyện Chơn Thành. Tính đến ngày 24-7, cả huyện Chơn Thành có 344 ca mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, cả năm 2015 chỉ có 264 ca, riêng tháng 7-2016 có 80 ca, còn tháng 6 tới 84 ca. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hai tháng 6 và 7 năm 2016 của huyện đã hơn ½ số ca mắc cả năm 2015. Đó là số liệu thống kê từ các tuyến bệnh viện thông báo về, còn số ca mắc sốt xuất huyết điều trị từ các cơ sở y tế tư nhân chưa thống kê được.

Khoa Nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh một tháng qua trong tình trạng quá tải vì số ca mắc sốt xuất huyết từ các huyện, thị xã trong tỉnh chuyển về. Riêng tháng 7, Khoa Nhiệt đới điều trị 124 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với trung bình những tháng từ đầu năm đến nay. Có tuần cao điểm, Khoa Nhiệt đới phải điều trị số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến đến 60 ca, nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang hoặc phải kê thêm giường.

Sốt xuất huyết không chỉ tăng ở những huyện vùng sâu, xa mà ngay cả thị xã Đồng Xoài cũng đang tăng đột biến. Hiện số ca mắc sốt xuất huyết của Đồng Xoài đã lên đến 242 ca, so với cùng kỳ năm 2015 con số này cao gấp 3 lần. Tính chung toàn tỉnh, số ca mắc sốt xuất huyết trong 7 tháng năm 2016 lên đến 1.321 ca, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.   

 BỆNH TĂNG DO ĐÂU?

Cả khu phố Trung Lợi có 540 hộ nhưng kinh phí dự phòng chỉ được cấp 3 triệu đồng. Trưởng khu phố đi vận động người dân được 1 triệu, Trưởng trạm Y tế thị trấn lấy tiền túi của mình thêm 1 triệu đồng để trả tiền công phun thuốc và diệt lăng quăng. Thế nhưng, hiệu quả từ việc phun thuốc vẫn không thấm vào đâu so với lượng muỗi đang bùng phát ở các khu dân cư. Bác sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Chơn Thành cho biết: Công phun xịt thuốc được cấp 100 ngàn đồng/ngày, công diệt lăng quăng chỉ 2.000 đồng/hộ. Với mức phụ cấp này khó lòng thực hiện nếu không huy động được sức dân. Đặc biệt, kinh phí dự phòng năm nay lại không có nên rất khó khăn trong việc triển khai các biện pháp dự phòng. Nhiều gia đình chủ quan không diệt lăng quăng cộng với xây nhà trong các lô cao su nên muỗi truyền bệnh có điều kiện phát sinh, làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết. 

Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã quá tải bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyếtKhoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã quá tải bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết

Trước thực trạng bệnh sốt xuất huyết bùng phát, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Chơn Thành đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ khẩn cấp 20 triệu đồng để triển khai phun hóa chất. Cùng với huyện, các xã có ổ bệnh đã huy động người dân đóng góp thêm ngày công mới triển khai được việc phun hóa chất. Nhờ vậy mà tình hình sốt xuất huyết của huyện Chơn Thành trong tuần qua đã giảm.

ĐỂ HUY ĐỘNG SỨC DÂN NGĂN DỊCH

Sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng báo động thành dịch nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Điều đáng báo động nữa là kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có.

“Không hiểu sao năm nay muỗi quá trời! Năm nay tôi bị mắng vốn nhiều nhất. Mới sáng nay cũng bị mắng vốn vì thuốc xịt muỗi kém hiệu quả”. Còn bệnh nhân Nguyễn Văn Riết thì nói: “Năm ngoái xịt thuốc còn nghe mùi khen khét. Năm nay xịt mà không nghe mùi gì cả, muỗi có sợ đâu. Khoảng 5-6 giờ chiều là cứ ngồi phủi muỗi”

Trưởng khu phố Trung Lợi Đào Minh Phụng

Ông Nguyễn Văn Sáu cho rằng: Bài học từ huyện Chơn Thành cho thấy, việc dựa vào sức dân để phòng chống sốt xuất huyết là hết sức quan trọng nên tỉnh cần cấp ngay kinh phí dự phòng để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Nguồn thuốc cũng như hóa chất phun để tiêu độc, khử trùng hiện không thiếu, chỉ thiếu kinh phí cho công phun hóa chất và giám sát trước, trong, sau khi phun. Dẫu biết ngân sách của tỉnh hiện rất khó khăn nhưng công tác phòng chống dịch bệnh không thể chậm trễ. Dù kinh phí thấp nhưng ít ra phải có mới làm cơ sở để huy động sức dân.

Câu cửa miệng của công tác y tế dự phòng là “Không có lăng quăng là không có muỗi truyền bệnh, không có muỗi truyền bệnh là không có bệnh sốt xuất huyết”. Điều đó chứng minh việc diệt lăng quăng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phòng bệnh. Thế nhưng, hiện người dân hết sức chủ quan, vô tình tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển trên diện rộng. Qua công tác dịch tễ từ thị trấn Chơn Thành cho thấy, 100% dụng cụ chứa nước của các hộ dân đều có lăng quăng, 60% nhà dân có muỗi truyền bệnh. Do vậy chiến dịch diệt lăng quăng trên diện rộng đang là giải pháp cấp thiết để hạn chế tối đa bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Làm được việc này, ngoài ngành y tế còn đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhất là đoàn thanh niên cùng hội phụ nữ phải vào cuộc một cách quyết liệt.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
93028

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu