Thứ 7, 20/04/2024 23:13:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:53, 22/05/2018 GMT+7

Bác vẫn đang cùng chúng cháu ở Trường Sa

Thứ 3, 22/05/2018 | 14:53:00 135 lượt xem

BP - Ở trung tâm đảo Trường Sa Lớn - thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có một công trình văn hóa đặc biệt, vừa là nơi tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vừa là nơi giáo dục truyền thống yêu nước của quân dân Trường Sa, đó là Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Giữa muôn trùng sóng gió, Nhà tưởng niệm Bác Hồ hiện lên uy nghi như một điểm tựa vững chắc của quân, dân nơi đây. Mỗi lần viếng thăm và thắp nén nhang cho Người, quân, dân trên đảo như được tiếp thêm sức mạnh quyết tâm bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc ở biển Đông.

Toàn cảnh Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở đảo Trường Sa Lớn

Thể theo nguyện vọng của quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí trùng tu, xây dựng và Nhà tưởng niệm Bác Hồ được khánh thành vào ngày 19-5-2010. Nhà tưởng niệm có diện tích 220m2, trên khuôn viên hơn 800m2, nằm ở vị trí trang trọng của trung tâm đảo Trường Sa Lớn. Công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng và hàng rào. Nhà tưởng niệm được xây theo phong cách truyền thống, mái ngói cong có biểu vật trang trí hình sóng biển cách điệu. Trong nhà tưởng niệm, bức tượng toàn thân của Bác bằng đồng nặng gần 1 tấn đặt trang trọng giữa gian chính thất. Chuông u minh, trống cùng các vật thờ tế bằng đồng như đỉnh trầm, hạc, lư hương..., đã tạo không gian trang nhã và mang đậm màu sắc thiền. Trong không gian của nhà tưởng niệm đặt 8 tủ kính trưng bày 64 bức hình và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu, quê hương, gia đình và quá trình hoạt động cách mạng của Người. Tại gian trưng bày Bác Hồ với bộ đội hải quân lưu lại nhiều hình ảnh quý giá. Phía trước chính giữa Nhà lưu niệm Bác Hồ dựng tấm bia trắng bằng đá granite, trên đó có khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Và điều ấy như một lời nhắc nhở mọi người dân đất Việt rằng: Việt Nam - đất nước có chủ quyền, biển đảo Việt Nam phải được người dân Việt Nam cai quản. Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là vùng đất trong vùng biển thiêng liêng không thể tách rời lãnh thổ Việt Nam.

Giới thiệu với đoàn công tác số 4 năm 2018 (gồm đại diện của 6 tỉnh: Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Tây Ninh và An Giang), do Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức ra thăm, tặng quà quân dân trên huyện đảo Trường Sa, Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Nhằm nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên đảo, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy đảo Trường Sa đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày lễ lớn của đất nước và ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Bàn thờ Bác Hồ đặt ở vị trí trang trọng trong căn nhà của một gia đình ở đảo Trường Sa

Thượng úy, bác sĩ Phí Ngọc Dương (là người con của quê hương Bình Phước - gia đình ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) làm việc tại bệnh viện trên đảo Trường Sa cho biết thêm: “Mỗi lần lập công, cán bộ, chiến sĩ lại đến đây (Nhà tưởng niệm Bác Hồ - PV) để báo công với Người. Vì thế, giữa muôn trùng sóng gió, Nhà tưởng niệm Bác Hồ đã trở thành điểm tựa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Hình ảnh Bác Hồ đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quyết tâm canh giữ vùng biển đảo, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Và như thế, Bác vẫn đang cùng chúng tôi ở Trường Sa”.

Những lời tâm sự của Trung tá Lương Quốc Anh minh chứng khi chúng tôi đến thăm các hộ dân sống trên đảo. Trong mỗi gia đình đều treo ảnh và lập bàn thờ Bác Hồ ở vị trí trang trọng giữa nhà. Điều mà chúng tôi cảm nhận được là đối với họ, Bác không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là vị thánh của mỗi người dân Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Việc thờ cúng tổ tiên và Bác Hồ từ lâu đã thành thông lệ của tất cả cư dân trên đảo. Mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi nhớ đất liền, nhìn lên bàn thờ Bác, thấy ánh mắt hiền từ của Bác, chúng tôi lại thấy lòng mình như ấm lại giữa biển cả bao la”.

P.V

  • Từ khóa
111330

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu