Thứ 3, 23/04/2024 22:42:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:01, 05/03/2014 GMT+7

Bác sĩ Vũ Ngọc Tám và cuộc chiến với hủ tục

Thứ 4, 05/03/2014 | 09:01:00 1,917 lượt xem

Bác sĩ Vũ Ngọc Tám, trạm trưởng trạm Y tế xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) đã có 24 năm lặn lội khắp các thôn, sóc nơi biên giới để chữa bệnh, tuyên truyền bảo vệ sức khỏe và đấu tranh với những hủ tục của người Xêtiêng, Mơnông. “Con tao mới bệnh có 2 cái nắng, mày cho uống thuốc nó chết tao chém mày”, bác sĩ Tám nhiều lần phải chữa bệnh trong cảnh “toát mồ hôi hột” như thế. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu những con người chân chất nơi đây, anh vẫn tự nguyện lội suối, băng rừng đến với đồng bào.

DUYÊN NỢ VÙNG CAO

Trong cái se lạnh của chiều biên giới, bên tách chè xanh, chúng tôi bị những câu chuyện của bác sĩ Vũ Ngọc Tám lôi cuốn. Anh Tám kể: Quê tôi ở Nông Cống (Thanh Hóa), năm 1990, tôi tốt nghiệp y sĩ và vác ba lô vào Nam. Bạn bè khuyên can “Vào đó sốt rét là không còn đường về đâu”. Nhưng đã quyết là làm, tôi nhận công tác và phục vụ đồng bào tại Trạm xá xã Đắk Ơ. Năm 1992, anh Điểu Dũng, nguyên Bí thư xã Bù Gia Mập bị sốt rét nằm điều trị tại Trạm xá Đắk Ơ. Gặp tôi, anh thấy mến rồi rủ về phụ trách khu 578 (xã Bù Gia Mập ngày nay). Khu 578 của 23 năm trước còn là vùng rừng thiêng nước độc, chẳng mấy ai dám nhận công tác bởi không mắc sốt rét ác tính thì cũng vướng vào lệ làng (các hủ tục của đồng bào dân tộc bản địa). Nói là phụ trách khu vực nhưng chưa có trạm xá nên tôi ở nhà anh Dũng. Hằng ngày, tôi xách giỏ đựng thuốc men rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc  thiểu số các thôn 5, 7 và 8 của xã Đắk Ơ. Năm 1998 thành lập xã Bù Gia Mập, trạm y tế mới được xây dựng.


Bác sĩ Tám kể về những vui buồn trong nghề 

Ở nhà anh Dũng, tôi tranh thủ học những từ cơ bản của tiếng Xêtiêng, Mơnông để giao tiếp với bà con và tìm hiểu tập tục, lệ làng của đồng bào. Khoảng 3 tháng sau, anh Dũng cho tôi “ra riêng” với một chiếc lán tre, mái lợp tranh, phía trước để khám chữa bệnh, phía sau được ngăn bằng tấm phên để ở. Ngày đó, thầy thuốc phải đến tận nhà dân khám chữa bệnh và phải được sự chấp thuận của gia đình, nếu không sẽ bị vướng vào lệ làng. Làm công tác truyền thông y tế thì mỗi ngày đi một ấp, chủ yếu là đi bộ theo đường mòn xuyên rừng.

Bù Gia Mập lúc bấy giờ có diện tích hơn 35 ngàn ha, nhưng dân số chỉ khoảng 1.500 người. Ngày nào ở nơi rừng thiêng nước độc này cũng có người chết vì sốt rét ác tính. Tiếng phèng đêm nào cũng vang vọng và sáng hôm sau thầy thuốc phải trốn vì người nhà vác dao vào bắt đền. Bản thân anh Tám cũng đã “nếm mùi” sốt rét. Những viên thuốc ký ninh chỉ giúp người bệnh cầm cự chứ chưa có thuốc đặc trị. Mỗi khi lên cơn sốt đắp mấy cái chăn mà người vẫn giật liên hồi, tôi phải chui vào đống rơm của đồng bào để bớt lạnh. Sau khi thuyết phục bệnh nhân sốt rét ác tính đồng ý chuyển viện, cả làng phải dùng xe reo hoặc khiêng võng đi xuyên qua đường rừng về Phước Long.

CUỘC CHIẾN VỚI THẦY MO

Những năm đó, người dân Bù Gia Mập mắc bệnh đều mời thầy mo (hung) đến cúng đuổi ma. Mỗi lần cúng, ngoài đưa tiền cho thầy, người nhà phải có con trâu, heo để tế lễ và mời làng. Thầy hung luôn gieo vào suy nghĩ người dân nơi đây “bác sĩ chính là con ma lai hại làng, bà con phải đuổi nó đi...”, vì thế đến khi người bệnh đồng ý cho bác sĩ chữa trị thì đã muộn, nhiều ca khó cứu sống nên thầy hung càng có cớ để đổ lỗi.

Chuyện xảy ra đã lâu nhưng khi kể với chúng tôi, bác sĩ Tám vẫn nổi da gà. Đó là ca bệnh của mẹ anh Điểu Gia Re (công an viên thôn Bù La) bị viêm cơ delta ở tay. Người nhà mời thầy cúng hơn một năm mà không gọi bác sĩ. Đến khi tay của bà bưng mủ, dòi bọ nhung nhúc mới gọi bác sĩ. Bác sĩ Tám đã tán nhuyễn long não trộn dầu cù là đắp lên vết thương, đến chiều, dòi bò ra cả chén.

Giành giật từ tay thầy hung, cứu sống mẹ của Điểu Gia Re và nhiều người trong làng nên đồng bào dần tin vào bác sĩ Tám. Đến nay, họ không nghe theo thầy cúng nữa, khi có bệnh đã đến trạm xá hoặc mời bác sĩ về nhà cứu chữa; nghe lời bác sĩ, ăn uống vệ sinh để phòng bệnh... Nhưng cũng phải mất hơn 20 năm, thầy hung mới ra khỏi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bù Gia Mập. 

Vừa khám chữa bệnh, bác sĩ Tám vừa kiêm nhiệm vụ phòng chống dịch. Lúc trước, việc đi lại ở nhiều xã thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập rất khó khăn, nhưng bác sĩ Tám vẫn không quản mưa nắng, sên, vắt, vận động và tiêm phòng cho trẻ em.

Niềm vui lớn nhất của bác sĩ Tám và 6 nhân viên Trạm Y tế Bù Gia Mập là không còn sốt rét ác tính, đồng bào không còn thói quen sinh đẻ tại nhà. Năm 2013, trạm khám và điều trị cho 4.277 lượt bệnh nhân (điều trị nội khoa 120 ca, ngoại khoa 69 ca, điều trị sốt rét 150 ca). Năm 2009, Trạm Y tế Bù Gia Mập được công nhận đạt chuẩn quốc gia và năm 2013 trạm đạt tiêu chí nông thôn mới. Sự cần mẫn tích cực của bác sĩ Tám cũng như đội ngũ y, bác sĩ trạm y tế xã đã tạo niềm tin trong lòng dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Phương Hà - Tuyết Ly

  • Từ khóa
1772

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu