Thứ 6, 29/03/2024 20:16:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:32, 27/02/2015 GMT+7

KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27-2

Bà đỡ mát tay

Thứ 6, 27/02/2015 | 14:32:00 80 lượt xem
BP - 60 tuổi nhưng giọng nói, nụ cười của bà Lưu Thị Sáu ở thôn 5, xã Long Bình (Bù Gia Mập) vẫn ẩn nét duyên ngầm của một cộng tác viên dân số kiêm bà đỡ. Những câu chuyện pha lẫn buồn vui được bà Sáu dí dỏm kể lại về các nhân vật có thật trong những lần đi “tác nghiệp” cho đến bây giờ bà vẫn nhớ như in.


Bà Sáu trao đổi kinh nghiệm với nữ hộ sinh trẻ

Những tháng ngày rong ruổi

Bà ngoại Sáu - cái tên gần gũi, thân thương mà mấy chục năm nay người dân xã Long Bình vẫn quen gọi người cộng tác viên dân số, kiêm bà đỡ Lưu Thị Sáu.

Bà Sáu rời quê hương Bắc Giang vào Bình Phước lập nghiệp những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Bà Sáu vừa khai hoang làm kinh tế vừa đảm nhiệm công tác dân số thôn. Bà Sáu kể: “Ngày xưa đường sá đi lại khó khăn, xung quanh toàn rừng rú, hầu như ai cũng bị sốt xuất huyết, sốt rét đến rụng tóc. Nhà ở cách xa nhau nên mỗi lần đi tuyên truyền dân số phải đi bộ, băng rừng lội suối, có hôm phải xin ngủ nhờ lại nhà người dân vì tối không thể về. Có gia đình mình đến nhiều quá người ta chửi, đuổi nhưng vẫn phải “lì mặt” ở lại nói chuyện, gần gũi, giải thích cái khổ của việc sinh nhiều con rồi dần dà ai cũng quý và nghe theo”.

Giờ có sự trợ giúp của loa, đài nên việc tuyên truyền dễ dàng hơn, nhưng hàng ngày bà Sáu vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đến từng nhà trò chuyện. Nói là trò chuyện nhưng bà Sáu luôn biết cách khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền để người dân hiểu mà thực hiện. Hàng tuần, hàng tháng bà Sáu đều đặn tham gia sinh hoạt chuyên môn tại Trạm y tế xã để nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Người dân trong thôn đã quá quen với công việc của bà Sáu khi đến từng nhà vận động người dân ăn chín uống sôi, phát quang bụi rậm, ngâm tẩm mùng mền phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Mỗi đợt trạm y tế tổ chức tiêm chủng, uống vitamin A, tẩy giun, hay khám sức khỏe cho người dân, bà đều vận động người dân tham gia đầy đủ. Trong các buổi họp thôn, bà luôn dành thời gian phổ biến cho người dân những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình; phụ nữ mang thai được tư vấn về cách chăm sóc thai nhi, khám thai định kỳ.

Và những nụ cười sau tiếng khóc

Trước đây, khi chưa có Trạm y tế xã thì phụ nữ đến ngày sinh nở thường tự “vượt cạn” ở nhà. “Mới đầu đỡ đẻ tôi cũng nhát lắm! Thấy máu là chân tay cứ run lập cập, mắt không dám nhìn. Nhưng khi thấy sản phụ trở dạ đau bụng, tính mạng của cả mẹ và bé phụ thuộc vào mình là mọi sợ hãi đều tan biến. Ca đỡ đầu thành công, mẹ tròn con vuông đã tiếp thêm động lực để tôi thành thục hơn ở những ca đỡ sau. Chưa có nghiệp vụ, dụng cụ dùng cho đỡ đẻ lại thô sơ, chỉ một chai rượu trắng để sát trùng tay và một con dao cắt rốn, ấy thế mà nhiều sản phụ đã “vượt cạn” thành công, chưa để xảy ra ca tai biến nào” - bà Sáu tâm sự.

20 năm làm bà đỡ, đến nay bà Sáu đã trở thành “bà ngoại” của trên 60 đứa trẻ. Nhiều đêm đang ngon giấc, có người trong xóm trở dạ là bà nhanh chóng đến nhà. Có trường hợp khiến bà thót tim vì ca đẻ khó, mẹ ngất xỉu khi đang “vượt cạn” và vỡ òa hạnh phúc khi mẹ tròn con vuông. Có trường hợp đẻ rơi trong nhà vệ sinh được bà ứng cứu kịp thời. Rồi trường hợp đẻ song sinh nhưng sản phụ không biết, nhờ kinh nghiệm đỡ đẻ lâu năm mà hai bé đều được cứu sống. “Chỉ khi nào đứa bé sinh ra cất tiếng khóc chào đời thì khi đó mình mới có thể mỉm cười” - bà Sáu chia sẻ. Nhiều cháu giờ đã lớn, học hành thành đạt, có cháu đã lập gia đình riêng nhưng vẫn thường về thăm hỏi, nghe bà Sáu kể chuyện xưa, trong mỗi câu chuyện đều pha chất hài hước, dí dỏm.

Công việc của bà Sáu vẫn thầm lặng, không thể cân đo, đong đếm. Chỉ biết rằng mỗi khi nhắc đến bà, người dân đều thấy gần gũi, thân thương. Không chỉ trong thôn mà những nơi khác cần giúp đỡ bà Sáu đều có mặt kịp thời.

Ngoài tham gia công tác xã hội, bà Sáu còn là nông dân sản xuất giỏi với 12 ha đất trồng điều, cao su, tiêu. Bà Sáu vui vẻ: “Gia đình luôn tạo điều kiện để tôi tham gia công tác xã hội. Được chồng động viên, khích lệ tinh thần thì mọi mệt mỏi đều tan biến hết”.                        

Ngân Hà

  • Từ khóa
51042

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu