Thứ 7, 20/04/2024 03:30:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 15:28, 12/01/2017 GMT+7

“Bà đỡ” của người dân vùng biên

Như Thảo
Thứ 5, 12/01/2017 | 15:28:00 154 lượt xem
BP - Sinh ra ở quê lúa Thái Bình nhưng ngay từ nhỏ, anh Phí Quang Chưởng đã theo gia đình đi kinh tế mới ở xã Tân Lập (Đồng Phú). Tại đây, anh cùng gia đình vượt qua bao khó khăn để ổn định cuộc sống và tiếp tục theo học hết bậc phổ thông. Năm 1990, anh nhập ngũ. Trong thời gian huấn luyện, anh được đơn vị cử đi học quân y và đây là bước ngoặt cuộc đời, bởi anh chưa bao giờ nghĩ sẽ học ngành y. Càng học anh càng đam mê, yêu thích và gắn bó với nghề.

Ra trường năm 1995, anh được điều về công tác tại Đồn biên phòng Bù Gia Mập - đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn tuyến đường biên của huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập) và địa bàn 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ. Thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ của đồn không chỉ sống và chiến đấu giữa nơi rừng thiêng, nước độc mà còn phải sinh hoạt trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Do đó cán bộ, chiến sĩ bị đau bệnh xảy ra như “cơm bữa”. Tuy sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, lại thiếu trang thiết bị và thuốc phục vụ khám chữa bệnh, nhưng anh luôn ý thức, dù có khó đến đâu cũng phải bảo đảm sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Sau khi tách đồn, anh được điều về Đồn biên phòng Đắk Ơ và tăng cường cho Trạm Y tế xã Đắk Ơ, trực tiếp làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân 2 xã. Do Đắk Ơ và Bù Gia Mập là 2 xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục, ý thức giữ gìn vệ sinh kém và là khu vực trọng điểm của dịch sốt rét, sốt xuất huyết nên việc khám chữa bệnh gặp rất nhiều trở ngại.

Y sĩ quân y Phí Quang Chưởng khám bệnh cho chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Ơ

Để nâng cao ý thức người dân trong chăm sóc sức khỏe, anh tích cực cùng cán bộ địa bàn, nhân viên trạm y tế tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh, ăn chín uống sôi, ngủ mắc mùng và xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu. Anh Chưởng cho biết: Nói thì dễ nhưng muốn thay đổi suy nghĩ của bà con không hề đơn giản, thậm chí nhiều lúc nản muốn buông xuôi. Đang khó thì có một bệnh nhân là cụ ông người S’tiêng ở thôn Bù Khơn bị sốt rét nặng nhưng gia đình không đưa ra trạm y tế mà mời thầy mo về cúng “đuổi con ma”. Để chữa bệnh cho cụ, anh phải vừa vận động vừa điều trị. Được chữa trị kịp thời, cụ ông đã hết bệnh, từ đó người dân trong thôn mới dần thay đổi tư duy, chủ động đến trạm y tế khám khi bị bệnh. Ông Điểu Thâm ở khu định cư thôn 10 (khu dân cư giáp biên của xã Đắk Ơ) nói: Nhờ bộ đội mà bà con được khám chữa bệnh kịp thời. Bộ đội còn giúp đồng bào làm nhà vệ sinh (năm 2016, Đồn biên phòng Đắk Ơ giúp đồng bào khu định cư làm 33 nhà vệ sinh) nên bà con ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống.

Trong 7 năm (2006-2013), anh Chưởng được tăng cường về Trạm y tế xã, ngoài khám chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người, anh còn đỡ đẻ thành công hơn 200 ca. Trong đó có nhiều ca sản phụ sinh trước ở nhà mới mời cán bộ y tế đến nên phải xử lý ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. Anh kể: “Đáng nhớ nhất là năm 2008, khi tôi đang trực thì có một thai phụ đến khám. Sau khi khám, tôi thấy có dấu hiệu chuẩn bị sinh, nhưng đây là trường hợp đặc biệt vì thai to lại con so, trong khi trạm không có đầy đủ trang thiết bị nên bắt buộc phải chuyển tuyến. Từ Đắk Ơ ra Bệnh viện đa khoa Phước Long chỉ mấy chục cây số, nhưng đường rất xấu, có khi đi cả buổi mới tới nên tôi phải đi cùng xe với sản phụ và đã đỡ đẻ thành công trên đường đi. Sau đó, đơn vị cử tôi học thêm lớp chuyên khoa sản nhi ở Trường trung cấp Quân y 1 (Sơn Tây - Hà Nội) để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn”.

Thượng tá Vũ Đình Thăng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Đắk Ơ cho biết: Năm 2013, Thiếu tá quân y Phí Quang Chưởng được điều động trở về chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đồng chí là cán bộ gương mẫu, có lối sống giản dị và luôn hết mình vì công việc nên hằng năm quân số khỏe của đơn vị đều đạt từ 98% trở lên và môi trường sống được vệ sinh phòng dịch tốt. Đồng chí còn trực tiếp khám và điều trị bệnh cho hàng chục quân nhân thuộc lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia mỗi năm, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc. Đồng thời chữa trị cho nhiều cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ trên địa bàn đồn phụ trách, trong đó có trường hợp tưởng không qua khỏi do bị ong chích hàng trăm mũi. Gần 26 năm gắn bó trong quân đội và phải làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ đồng chí ngại khó, ngại khổ nên được nhân dân và đồng đội tin yêu, quý mến. Đồng chí xứng đáng là tấm gương cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị học tập.

  • Từ khóa
110968

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu