Thứ 4, 24/04/2024 03:47:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:33, 08/08/2018 GMT+7

“Bà đỡ” của mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp

Thứ 4, 08/08/2018 | 08:33:00 191 lượt xem
BP - Hiện mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) kiểu mới. Các HTX và THT này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; làm thay đổi tư duy sản xuất mà còn nâng cao đời sống và phát huy vai trò làm chủ của người nông dân. Đặc biệt, các HTX, THT nông nghiệp còn đóng góp vai trò hết sức ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bình Phước đã có nhiều mô hình mang tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp được hình thành và phát triển, như: HTX Nguyên Khang Garden ở ấp 8, xã Tân Thành, TX. Đồng Xoài chuyên sản xuất, thu mua, cung ứng nông sản chất lượng cao và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; HTX nông nghiệp Bình Phước ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú sản xuất điều sạch theo hướng hữu cơ; HTX Hưng Phước ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp chuyên sản xuất tiêu sạch bền vững...

Tỉnh hiện có 89 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chiếm 76% tổng số HTX trong tỉnh, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, hồ tiêu, cây ăn trái, rau sạch... Trong đó, các HTX điều, tiêu, bưởi da xanh đã xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng, từng bước đưa các nông sản này đến khắp mọi miền đất nước và thế giới. Tỉnh còn có 1.335 THT, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các THT được hình thành đã hỗ trợ nhau về khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, vốn vay và giúp đỡ các thành viên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các HTX và THT trong tỉnh có quy mô nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống và đều gặp khó khăn trong phát triển sản xuất do thiếu nguồn lực tài chính.

Nguyên nhân chủ yếu do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn bất cập; việc xử lý tài sản bảo đảm, nhất là những tài sản liên quan đến đất đai còn nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động. Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành liên quan đến hoạt động của thành phần kinh tế tập thể nói chung, với HTX, THT nói riêng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; nhiều văn bản ban hành chậm hoặc chưa được chỉ đạo điều hành, bổ sung kịp thời nên nhiều đơn vị kinh tế tập thể khó tiếp cận nguồn vốn. Mặt khác, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cho HTX quá hạn hẹp, còn ngân sách của tỉnh khiêm tốn nên công tác hỗ trợ HTX, THT phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, quy định hỗ trợ dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết,... với tổng mức không quá 10 tỷ đồng; hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng; hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi... Hy vọng, nghị định sẽ là cú hích cho các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phát triển bền vững, giúp nông dân yên tâm gắn bó, làm giàu từ chính những nông sản chủ lực của địa phương.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108929

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu