Thứ 7, 20/04/2024 05:10:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:21, 02/12/2016 GMT+7

ARV hết tài trợ miễn phí: Bình Phước gặp khó trong phòng, chống AIDS

Ngọc Tú
Thứ 6, 02/12/2016 | 15:21:00 331 lượt xem
BP - Người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS ở Bình Phước hiện chủ yếu sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ARV từ nguồn tài trợ miễn phí của tổ chức quốc tế. Nhưng đến năm 2017, tài trợ kết thúc. “Đây là trở ngại lớn cho công tác điều trị, bởi đa số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đều có kinh tế khó khăn, nguy cơ bỏ điều trị và kháng thuốc rất cao. Trong khi đó, bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS ở đây rất ít người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)” - thạc sĩ, bác sĩ Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh chia sẻ.

Y, bác sĩ Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh làm xét nghiệm lao nhiễm HIVY, bác sĩ Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh làm xét nghiệm lao nhiễm HIV

Nỗi lo lan truyền bệnh AIDS trong cộng đồng

Tính đến ngày 30-9, toàn tỉnh có 2.759 trường hợp nhiễm HIV; 976 bệnh nhân AIDS và 262 người đã chết vì AIDS. Hiện 100% huyện, thị và 109/111 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng dần trong nhóm nữ giới, lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn, mẹ sang con. Chính vì bệnh nhân thuộc nhóm tuổi từ 30-39 chiếm tỷ lệ cao nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Bác sĩ Bùi Văn Linh cho biết: “Bình Phước hiện có 507 người đang được điều trị thuốc ARV miễn phí. Nếu năm 2017 phải trả tiền thuốc thì nguy cơ nhiều người bệnh bỏ điều trị là rất cao. Từ đó dẫn đến chuyển sang AIDS và tử vong; đồng thời làm tăng nguy cơ lây nhiễm đại dịch kháng thuốc ra cộng đồng”.

Bên cạnh đó, có khoảng 4 đến 5%o/20.000 bà mẹ mang thai mỗi năm tại tỉnh khả năng nhiễm HIV/AIDS. Nếu không được can thiệp để chủ động đưa ARV vào điều trị thì số trẻ sinh ra lây nhiễm HIV rất đáng lo ngại. 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh có 7.203  phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, đồng ý xét nghiệm 6.078 người. Trong đó, được xét nghiệm lúc mang thai 3.647 người và lúc chuyển dạ 2.431 người. Nếu bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được dùng ARV miễn phí.

Ngoài ra, để ngăn ngừa ở đối tượng dễ nhiễm HIV/AIDS do chích ma túy, năm 2016 Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đề ra chỉ tiêu cho 300 người điều trị cai nghiện bằng methadone. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà chủ yếu là thiếu kinh phí nên đến nay mới đạt 1,3%.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hoạt động giáo dục truyền thông thay đổi hành vi cho bộ phận người nhiễm HIV/AIDS nói riêng, cộng đồng nói chung rất cần phải quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm 2015 đến nay, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức được 3.497 lượt truyền thông về HIV/AIDS cho 346.985 lượt người. Tỉnh còn có 2 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và 10 phòng thuộc huyện, thị xã có hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện lồng ghép với các dịch vụ khác. Theo đó, trong gần 2 năm trở lại đây, 10.735 khách hàng đã đến tư vấn, trong đó 9.444 người tham gia xét nghiệm HIV. 

“Ngoài nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi cho đối tượng có nguy cơ cao, nhóm dân di biến động, thanh niên, phụ nữ... dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, trung tâm còn tiếp tục tham mưu Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012-2020. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại cho nhóm người nghiện ma túy, mại dâm, phạm nhân...” - bác sĩ Bùi Văn Linh cho biết thêm.

Đến thời điểm này, người nhiễm HIV/AIDS đang được dùng thuốc ARV miễn phí. Nhưng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT để tiếp tục sử dụng thuốc ARV khi chuyển sang trả phí. Vì việc điều trị bằng thuốc ARV phải được tuân thủ suốt đời, nếu không sẽ dẫn đến kháng thuốc và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2. Khi đó người bệnh phải đối mặt với nguy cơ chịu tác dụng phụ của thuốc, áp lực chi phí lớn hơn. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất cao, điều trị tốn kém. Vì vậy, tham gia BHYT giúp người nhiễm HIV/AIDS và gia đình giảm rất lớn gánh nặng về kinh tế.

Thông tư số 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết để người tham gia BHYT nhiễm HIV khi khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS; người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi về BHYT rất cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa.

Còn đó những trăn trở

Bác sĩ Bùi Văn Linh chia sẻ: Việc không còn điều trị miễn phí thuốc ARV gây ra áp lực lớn cho trung tâm. Dự báo công tác đảm bảo kiểm soát số người nhiễm và giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,2% so với mục tiêu chung toàn quốc dưới 0,3% mà trung tâm thực hiện được thời gian qua sẽ rất nan giải.

 Khó khăn còn nhân lên khi cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt tuyến y tế cơ sở. Nhân lực có trình độ đại học bổ sung cho hệ thống phòng, chống AIDS còn nhiều hạn chế. Độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm hại còn hẹp; tính bền vững chưa cao. Việc lồng ghép chương trình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội các cấp, ngành còn chưa được chú trọng. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân ở cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý mặc cảm, e ngại khiến họ khai không đúng địa chỉ hoặc chuyển nơi cư trú liên tục.

Điều khiến bác sĩ Bùi Văn Linh trăn trở còn vì lẽ sắp hết năm 2016 mà kinh phí thực hiện chương trình của năm chưa được phê duyệt. Từ đó, Ban giám đốc cùng cán bộ, nhân viên đơn vị rất khó triển khai hoạt động... “Chỉ khi người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm, không tự kỳ thị và nhận thức được sự cần thiết của BHYT trong duy trì điều trị HIV/AIDS lâu dài bằng ARV thì mới mong kiểm soát được tình trạng lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng. Mà muốn đạt kết quả cao cần nâng cao tuyên truyền bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, “cái khó bó cái khôn” nên hoạt động này chưa đạt hiệu quả như mong muốn” - bác sĩ Bùi Văn Linh nhận định.

Thực tế cho thấy việc tuyên truyền sử dụng ARV tính phí hoặc thông qua BHYT để giảm nhẹ gánh nặng chi phí vẫn chưa được các cấp, ngành hữu quan trong tỉnh quan tâm đúng mức. Chỉ khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là trở thành một trong những nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 mới có thể trở thành hiện thực.

ARV là thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự sinh sôi và phát triển của HIV. Nếu được uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nguy cơ tử vong, giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác và cũng giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Họ hoàn toàn có khả năng lao động và đóng góp cho kinh tế - xã hội.

 

  • Từ khóa
58168

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu