Thứ 6, 29/03/2024 11:40:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:37, 16/04/2015 GMT+7

“Công cà phê”

Thứ 5, 16/04/2015 | 06:37:00 1,399 lượt xem
BP - Uống cà phê là để thưởng thức, trò chuyện tâm giao và thỏa mãn sở thích ẩm thực của mình. Nhưng với anh Lê Hoàng Công 29 tuổi, ngụ phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài lại là chuyện khác. Từ thưởng thức ly cà phê nguyên chất ở thành phố Hồ Chí Minh lần đầu vào năm 2011, anh bắt đầu nuôi ước mơ làm giàu từ nó.Từ ước mơ, sản phẩm “Cong coffe” (Công cà phê) của Công ty TNHH MTV Công Phát đã có mặt trên thị trường.

Anh Công đang đóng gói cà phê

Bỏ giảng đường theo nghiệp cà phê

Đang học năm hai tại Trường đại học Thể dục - thể thao TP. Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Công quyết định từ bỏ giảng đường để theo đuổi con đường kinh doanh. Ý tưởng táo bạo ấy xuất phát từ một lần được thưởng thức ly cà phê nguyên chất ở thành phố Hồ Chí Minh, chàng sinh viên Lê Hoàng Công cảm thấy thích thú với hương vị đặc trưng riêng của loại cà phê này. “Kể từ đó, tôi vừa học nghề ở các xưởng chế biến cà phê trên đất Sài Gòn vừa tự tìm tài liệu để trau dồi kiến thức nghề rang cà phê, cách thức tuyển chọn nguyên liệu và công thức chế biến cho ra sản phẩm cà phê nguyên chất” - anh Công cho biết.

Khi mới bắt đầu học nghề, anh Công gặp vô vàn khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, không có tiền mua nguyên liệu và cả máy rang cà phê. Anh Công nhớ lại: “Trong suốt 2 năm học nghề, tháng nào tôi cũng xuống thành phố 1-2 lần để thuê máy rang và chế biến sản phẩm, thất bại là không kể hết. Để có tiền mua nguyên liệu, tôi phải vay mượn bạn bè và đi làm thuê kiếm tiền mua hạt cà phê thử nghiệm. Có một lần, tôi chở 1 tạ cà phê xuống Sài Gòn để rang. Vừa mới rang xong thì nhận được tin con trai bị bệnh, tôi vội bỏ số hạt cà phê còn nóng hừng hực vào bao nên bị cháy hết. Phải mất 2 tháng sau mới có tiền mua lại nguyên liệu để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ thành nghề”.

Khi đã thuần thục nghề, anh Công đi các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai... tìm kiếm nguồn nguyên liệu với mong muốn chế biến sản phẩm cà phê ngon, chất lượng để ra mắt thị trường. Cuối cùng, anh chọn cà phê Bình Phước làm nguyên liệu. “Cà phê Bình Phước có hương vị đặc trưng riêng. Hơn nữa, tôi có khát vọng là được giới thiệu và khẳng định sản phẩm cà phê nguyên chất Bình Phước đến người tiêu dùng. Cà phê Bình Phước không thua kém gì với các xứ sở cà phê khác, thậm chí còn thơm ngon và đậm đà hơn” - anh Công tự hào nói.

“Cong coffe” ra mắt thị trường

Năm 2014, sản phẩm “Công cà phê” nguyên chất đã có mặt trên thị trường và được triển lãm tại các hội chợ lớn trong nước. Đầu năm 2015, Công cà phê đã được tỉnh đề cử tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 5 trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Anh Công vui mừng cho biết: “Hiện Công cà phê đã có mặt ở hầu hết các quán cà phê nguyên chất ở thị xã Đồng Xoài và một số thị trường khác tại Sài Gòn, Bình Dương. Hiện nay, một tháng công ty anh tiêu thụ khoảng 500kg với mức giá hợp lý (120 ngàn đồng/kg bán sỉ, 140 ngàn đồng/kg bán lẻ). Đây được xem là mức giá rẻ nhất ở phân khúc thị trường cà phê nguyên chất”.

Anh Công chia sẻ: “Tôi kinh doanh cà phê với phương châm kiếm tiền để làm cà phê chứ không làm cà phê để kiếm tiền. Do đó, yếu tố chất lượng và uy tín phải đặt lên hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận mà đánh mất thương hiệu của mình. Cà phê đã cho tôi một trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống. Định hướng của công ty là trong 5 năm tới phải đưa được thương hiệu cà phê nguyên chất Bình Phước ra thị trường cả nước. Để khi nhắc đến Bình Phước, ngoài hạt điều, tiêu và mủ cao su, người tiêu dùng còn biết đến cà phê nguyên chất Bình Phước”.       

Để có vốn đầu tư phát triển thương hiệu “Công cà phê”, anh Công đã mở xưởng sản xuất chế biến hạt điều rang muối từ năm 2013, với thương hiệu gắn liền địa danh lịch sử nổi tiếng: “Hạt điều rang muối Bom Bo”. Sở dĩ anh lấy tên thương hiệu “Hạt điều rang muối Bom Bo”, bởi Bom Bo là địa danh lịch sử nổi tiếng của tỉnh, nhắc đến Bình Phước là người ta nhắc đến Bom Bo. Sản phẩm hạt điều Bom Bo được anh tung ra thị trường từ năm 2013, với doanh số mỗi tháng vài trăm triệu đồng. Đây là nguồn vốn giúp anh gây dựng và phát triển thương hiệu “Công cà phê”, ngày càng được người tiêu dùng ghi nhận.

Nhất Sơn    

  • Từ khóa
38518

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu