Thứ 5, 28/03/2024 19:04:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:13, 06/05/2014 GMT+7

5 tháng đi đòi 1 tháng lương

Thứ 3, 06/05/2014 | 08:13:00 122 lượt xem

Tháng 12-2013 quản đốc Công ty TNHH SB International (Q.Bình Tân, TP.HCM), nơi tôi đang làm công nhân may, ôm tiền hàng biến mất. Ông chủ người Hàn Quốc cũng biệt tăm để lại khoản nợ lương của hơn 100 công nhân, trong đó có tôi.

Một tháng lương và sáu ngày lương tháng mới, cộng hết các khoản, kể cả tiền cơm tăng ca, công ty nợ tôi hơn 5 triệu đồng.

Trước tết, đại diện pháp luật người VN của công ty thanh lý hết số máy móc trong xưởng cũng chỉ thanh toán một phần lương cho công nhân rồi hẹn ngày thanh toán số còn lại. Tôi nhận được hơn 1 triệu đồng và thắc thỏm chờ đến ngày hẹn. Nhưng rồi cả người đại diện của công ty cũng biệt tăm. Không cam tâm để mất khoản tiền vài triệu ấy, chúng tôi khởi kiện công ty ra tòa án quận và đeo đuổi suốt năm tháng qua.

Nhiều người bảo sao tôi không dành thời gian kiện cáo ấy mà lo tìm công việc mới, chỉ vì một tháng lương mà phải “kiện tụng dai nhách” như vậy. Nhưng có ở vào hoàn cảnh của công nhân mọi người mới hiểu kiếm được đồng tiền khó nhọc như thế nào.

Một tiếng làm việc, tăng ca chỉ vỏn vẹn vài ngàn đồng. Mấy triệu đồng tiền công ấy là tích cóp từng ngày, từng giờ nai lưng trong xưởng làm của chúng tôi, là công sức của những buổi tăng ca đến tối khuya... Đến suất ăn tăng ca chúng tôi cũng không dám ăn, chuyển qua trả vào lương để mỗi tháng kiếm thêm vài trăm ngàn đồng về cho gia đình.

Mất việc ngay tháng cuối năm, cả gia đình tôi hụt hẫng. Không lương, không tiền thưởng tết, không kiếm được việc làm vì cuối năm chẳng công ty nào tuyển người, cái tết của gia đình tôi trôi qua trong thiếu thốn, buồn tủi. Cái ăn, cái mặc trước mắt của năm người trong gia đình một ngày không thể không lo, ba đứa con đang đi học cũng cần phải đóng tiền trường. Tôi vừa xấc bấc xang bang theo những cuộc hòa giải đòi nợ lương vừa cật lực đi kiếm việc làm. Nhưng ngặt nỗi tuổi đã 48, sức đã yếu nên tìm việc khó khăn, chẳng mấy công ty muốn tuyển.

Ngày tết, gia đình tôi là một trong những gia đình công nhân mất việc có hoàn cảnh khó khăn được lãnh đạo TP đến thăm hỏi và tôi được quan tâm gửi gắm để tìm việc làm, nhưng công việc sau đó cũng không kéo dài được bao lâu vì tôi không trụ nổi với điều kiện làm việc quá khắc nghiệt... Tôi lại tiếp tục đi tìm công việc mới và đến nay công ăn việc làm cũng phập phù, bấp bênh.

Phận công nhân kiếm tiền khó khăn, cực khổ như vậy nên tôi càng tiếc số tiền công ty nợ tôi. Suốt năm tháng qua, tôi và nhiều công nhân khác đã có mặt ở không biết bao nhiêu buổi hòa giải và cuối cùng chúng tôi đã làm đơn khởi kiện ra tòa án quận với suy nghĩ kiện được chủ công ty ra tòa nhận trách nhiệm thì cũng sẽ nhận được khoản nợ lương. Nhưng hết lần này đến lần khác, chúng tôi chỉ nhận được những lời đề nghị bổ sung giấy tờ nọ kia, hoặc bảo phải chờ.

Công nhân làm việc cực khổ mà đến đồng lương cũng bị giật. Chẳng lẽ chúng tôi chỉ còn cách chịu thiệt thòi hay sao?

Bà Nguyễn Thị Hồng Bạch, trưởng Phòng Lao động - thương binh và xã hội Q.Bình Tân, xác nhận Công ty TNHH SB International nợ lương công nhân xảy ra cuối năm 2013. Theo bà Bạch, mặc dù công nhân khẳng định chủ công ty là người Hàn Quốc đã bỏ trốn, nhưng trên thực tế không có giấy tờ pháp lý chứng minh có sự liên quan giữa công ty với người Hàn Quốc này mà người chịu trách nhiệm pháp lý theo hồ sơ công ty là bà Đinh Phạm Dạ Thảo, còn người Hàn Quốc chỉ “núp bóng”. Bà Thảo lại ký một giấy ủy quyền nhưng không công chứng cho một người đàn ông tên Linh đứng ra tuyển công nhân và trả lương hằng tháng. Ông Linh đã gom tiền hàng bỏ trốn khiến mọi hoạt động công ty bị tê liệt.
Phòng Lao động - thương binh và xã hội quận đã hòa giải, yêu cầu bà Thảo đứng ra thanh lý máy móc trả nợ lương, nhưng chỉ thanh toán được 30%. Phần lương còn lại bà Thảo không giải quyết được, do đó Phòng Lao động - thương binh và xã hội quận đã hướng dẫn công nhân làm thủ tục khởi kiện ra tòa án quận. Hiện tòa án quận vẫn đang thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết gặp nhiều khó khăn do 100/104 công nhân công ty này không có hợp đồng lao động nên không chứng minh được khoản nợ lương...

Nguồn TTO 

  • Từ khóa
49004

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu