Thứ 5, 25/04/2024 19:23:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:26, 28/02/2015 GMT+7

Đến năm 2020, có 80% công nhân được đào tạo nghề

Thứ 7, 28/02/2015 | 08:26:00 244 lượt xem
BP - Đó là một trong những mục tiêu tại đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bởi Quyết định số 231/QĐ-TTg. Dưới đây là những nội dung chính trong đề án này:

Về trình độ học vấn: Vận động, tạo điều kiện để 70% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tham gia học tập để đạt trình độ trung học phổ thông.

Về kỹ năng nghề nghiệp: Vận động, tạo điều kiện để 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc doanh nghiệp tự đào tạo); 50% công nhân lao động được đào tạo lại, 40% công nhân lao động có tay nghề cao; Vận động, tạo điều kiện để 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 60% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học.


Công nhân phân xưởng may Nhà máy giày da Thái Bình (Đồng Xoài) - Ảnh: S.B

Về kiến thức chính trị, pháp luật: Phấn đấu 70% công nhân lao động được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những kiến thức chính trị cơ bản; được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động. Tổ chức cho công nhân lao động học các chương trình sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị hoặc cao hơn phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về kỹ năng sống: Phấn đấu 70% công nhân lao động được học tập, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nắm bắt thông tin, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; Phấn đấu 70% nữ công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được học tập, tìm hiểu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình.

Giải pháp và nhiệm vụ cụ thể: Để thực hiện được mục tiêu trên, đề án đã đưa ra các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể là: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người sử dụng lao động, vận động công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn; phát triển phong trào học bổ túc văn hóa và phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi hằng năm cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

Xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức công đoàn các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, tác phong công nghiệp.

Tổ chức thực hiện đề án: Chính phủ giao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án.

Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trì, phối hợp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn mở các lớp bổ túc văn hóa tại doanh nghiệp, tổ chức các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho công nhân lao động là người dân tộc thiểu số, công nhân lao động nghèo tại doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương phối hợp với các cấp công đoàn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với công nhân lao động và tình hình, kết quả triển khai thực hiện đề án.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức thực hiện đề án; bố trí ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động của đề án tại địa phương; Phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đề án tại địa phương...   

V.L 

 

  • Từ khóa
51027

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu