Thứ 5, 28/03/2024 15:47:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:56, 09/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Áp dụng pháp luật dân sự

Thứ 2, 09/02/2015 | 09:56:00 2,112 lượt xem
BP - Quy định về áp dụng pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế, tại Điều 759 của Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định như sau:

1. Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp bộ luật này có quy định khác. 2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước hết, trong Khoản 3 nói trên, tôi đề nghị bỏ cụm từ “việc áp dụng” mà chỉ nên dùng cụm từ “hậu quả của việc áp dụng”. Bởi vì, trong thời kỳ trước đây, chính sách kinh tế tập trung bao cấp ở một số quốc gia hoàn toàn đối lập với chính sách kinh tế thị trường ở một số quốc gia khác. Điều này xuất phát từ sự trái ngược về ý thức hệ đối với quyền sở hữu tư liệu sản xuất cơ bản. Tuy nhiên, ngay vào thời kỳ đó, các quốc gia thuộc hai hệ thống nhà nước đối lập vẫn áp dụng pháp luật về quyền sở hữu của nhau. Rõ ràng việc áp dụng này là mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật ở các quốc gia có chính sách về quyền sở hữu trái ngược, song hậu quả của việc áp dụng thì lại không mâu thuẫn, bởi hậu quả đó đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên. Vì thế, quy định “việc áp dụng pháp luật nước ngoài” là mâu thuẫn với trật tự công cộng và hoàn toàn không phù hợp.

Hơn nữa, trong điều này cần có phần quy định về dẫn chiếu tới nước thứ ba. Về chính sách dẫn chiếu tới nước thứ ba, có ba nhóm quốc gia có chính sách khác nhau: Nhóm thứ nhất chấp nhận hoàn toàn, nhóm thứ hai chấp nhận không hoàn toàn (thường là trong trường hợp quy phạm xung đột dựa vào dấu hiệu ý chí của các bên về chọn luật áp dụng, khi đó luật mà các bên chọn được hiểu là luật thực chất của quốc gia - loại trừ dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu tới nước thứ ba) và nhóm không chấp nhận hoàn toàn. Theo chúng tôi, chúng ta có thể chọn theo cách giải quyết của nhóm thứ nhất. Việc giải quyết như vậy vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay, lại vừa khắc phục được lỗ hổng pháp luật về vấn đề này. 

Bên cạnh đó, ở đoạn “Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng nên bỏ đi. Bởi vì, dấu hiệu ý chí của các bên có phải là cơ sở để chọn luật áp dụng hay không đã được quy định tại Điều 763 của bộ luật này.                                          

Thanh Hải

  • Từ khóa
12568

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu