Thứ 7, 20/04/2024 01:13:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:36, 23/03/2017 GMT+7

“Áo phao” cho nông dân

Thứ 5, 23/03/2017 | 09:36:00 87 lượt xem

BP - 2.135 tỷ đồng là con số không đáng kể so với 1.273.200 tỷ đồng chi ngân sách cả nước năm 2016. Thế nhưng, đây lại là số tiền vô cùng ý nghĩa đối với hàng vạn hộ nông dân trong cả nước. Bởi 2.135 tỷ đồng/năm là số tiền dự kiến ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ hộ nông dân nghèo và cận nghèo mua bảo hiểm rủi ro thiên tai trong sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ hộ nghèo 90%, hộ cận nghèo 75% - theo dự thảo nghị định bảo hiểm nông nghiệp được Bộ Tài chính soạn thảo trình Chính phủ, dự kiến sẽ được ban hành trong ít ngày tới và thi hành từ ngày 1-1-2018.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp nước ta. Đặc biệt là biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ, gió lốc... đã khiến biết bao gia đình làm nông nghiệp rơi vào cảnh phá sản. Bị ảnh hưởng lớn nhất, thiệt thòi nhất và tác động mạnh nhất tới đời sống chính là những hộ nông dân nghèo, cận nghèo. Vì thế, trong thời điểm này, việc nhà nông được tham gia bảo hiểm nông nghiệp sau khi nghị định về bảo hiểm nông nghiệp ra đời không khác gì được trang bị áo phao dự phòng khi phải xuống nước. Và còn gì tuyệt vời hơn khi đối với hộ nghèo, cận nghèo, nhà nước sẽ hỗ trợ 90%, 75% kinh phí để mua chiếc áo phao đó?

Ban hành chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là điều hết sức bình thường, song cũng là chiến lược của mỗi quốc gia. Thời gian qua, hàng loạt chính sách của nhà nước ta được ban hành để thúc đẩy phát triển tổng thể, song song đó là các chính sách được khoanh vùng đối tượng chịu tác động. Ví dụ như các gói kích cầu liên tiếp được đưa ra trong những năm gần đây nhằm nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ kinh tế thế giới suy thoái, các gói hỗ trợ tín dụng bất động sản, gói tín dụng ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ liên tiếp được triển khai...

Từ các chính sách được ban hành gần đây, có thể thấy nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã và đang được quan tâm đầu tư hơn rất nhiều. Điển hình như đầu tháng 2-2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 lên 100.000 tỷ đồng. Đi kèm theo đó là một loạt chính sách sẽ được sửa đổi, ban hành theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ tích tụ đất đai, chi phí đào tạo lại cho nông dân, bảo hiểm nông nghiệp... Đó chắc chắn là đường lối đúng đắn. Bởi lẽ, mặc dù đất nước ta đã trải qua 30 năm đổi mới, đang trên đường đi tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thành thị, công nghiệp - dịch vụ đóng góp phần lớn cho nền kinh tế... nhưng gần 70% dân số nước ta vẫn đang sinh sống ở nông thôn và phần lớn trong số đó là nông dân, làm nghề nông.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhà nước có không ít chính sách hỗ trợ nông dân, nhưng lợi ích cuối cùng đến với nông dân chưa hiệu quả. Tình trạng nông dân bỏ ruộng vườn ở miền Bắc là hiệu ứng rõ nhất về chính sách chưa phù hợp, chưa đem lại lợi ích cho nông dân như mục tiêu đặt ra. Chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn, nông nghiệp là rất cần thiết và không chỉ trong thời điểm khó khăn, khủng hoảng, biến đổi khí hậu gây ra thiên tai, mà cần thường xuyên, bằng nhiều cách mới có thể thúc đẩy khu vực nông thôn nhanh chóng phát triển, theo kịp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thế, để những chiếc “áo phao” như bảo hiểm nông nghiệp đến với nông dân, nông thôn và thật sự mang lại hiệu quả, cần có những đột phá khác nữa đi kèm trong cơ chế quản lý nhà nước cũng như sự giám sát của xã hội đối với việc thực thi các chính sách ấy.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu