Thứ 6, 29/03/2024 00:02:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:42, 26/12/2015 GMT+7

Gieo niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh

Thứ 7, 26/12/2015 | 15:42:00 609 lượt xem
BP - Sau thời gian dài chỉ biết kiếm tiền lo cho tổ ấm nhưng khi cuộc sống sung túc thì cũng là lúc gia đình chia đôi ngả. Trượt ngã trên nỗi đau tan vỡ hạnh phúc, anh vùi đầu vào những cuộc chơi như con thiêu thân. Cho đến một ngày gặp người phụ nữ giờ đây đang gắn bó cùng anh trên hành trình gieo niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh, anh mới ngộ ra rằng: “Mình ghét tiền nhưng rất nhiều người cần tiền. Hãy cho đi thứ anh đang căm thù mà người khác rất cần để tạo niềm vui cho những người khốn khổ ấy”.

Vợ chồng anh Bùi Văn Sâm đang lên danh sách những địa chỉ nhân đạo và chuẩn bị quà tết Nguyên đán sắp tới

Đã không dưới 3 lần tôi được nghe về chuyện riêng tư cũng như những đóng góp thầm lặng của anh chị vào hoạt động từ thiện ở nhiều địa phương. Anh đã lọt vào “danh sách nhân vật phải viết” của tôi, mặc dù tôi chưa một lần gặp mặt? Trí tò mò đã thôi thúc tôi tìm gặp anh chị nhưng bị từ chối bởi anh không muốn phô trương việc làm của mình. Thế là tôi chuyển hướng tìm hiểu anh qua những mảnh đời được anh giúp đỡ.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Bức tranh về cuộc sống bất hạnh của 2 chị em Nguyễn Thị Tuyết Nhi (15 tuổi) và Nguyễn Thị Tuyết Linh (13 tuổi) ở thôn Tân Lực, xã Bù Nho (Phú Riềng) như xoáy sâu vào tâm trí tôi. Hoàn cảnh các em đang gánh chịu là do chính người mẹ tạo ra. Không chịu cảnh nghèo khó nên mẹ bỏ đi theo hạnh phúc mới lúc Tuyết Nhi hơn 1 tuổi, Tuyết Linh vừa tròn 3 tháng. Trong khi các bạn cùng trang lứa được đến trường thì hai em chỉ được học ở mức biết đọc mà thôi. Khi tôi hỏi mẹ con tên gì thì chỉ nhận được câu trả lời cụt lủn “Mẹ con tên Hoa”. “Các con có biết mẹ không?”. Cả hai đều lắc đầu. Cuộc đối thoại giữa tôi và hai em đi vào ngõ cụt, vì khi được hỏi về mẹ mình mà “tư liệu” trong các em quá ít, chỉ một cái tên đầy đủ các em cũng không biết và không muốn biết. Thế nhưng Tuyết Nhi lại trào nước mắt khi được hỏi ấn tượng của em về người cha. Nghẹn ngào em nói “Lúc em bệnh ba thức chăm em”.

“Nếu giờ mẹ nó có ngồi trước mặt, tụi nó cũng không nhận ra vì đã hơn 12 năm nay chưa một lần tụi nó được mẹ thăm hỏi. Vợ bỏ đi, cha nó buồn vùi đầu vào men rượu rồi suy gan mà chết. Khi con chị chưa tròn 10 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em sống lay lắt qua ngày và về ở với tôi được 4 năm nay. Trong lúc khó khăn nhất thì được anh Bùi Văn Sâm hỗ trợ mỗi tháng 20kg gạo và tặng quà bánh dịp lễ, tết, giúp tôi giảm bớt gánh nặng” - bà Nguyễn Thị Kim Loan (cô ruột của Nhi và Linh) ở cùng thôn cho biết.

“Mấy năm nay tôi kinh doanh thất bại, lại phải lo cho 3 con đang học đại học và nuôi đứa cháu nội 2 tuổi nên các cháu về ở với tôi không được sung sướng. Giờ các cháu đã lớn, vợ chồng tôi cũng muốn mua miếng đất cất nhà để hai chị em chăm sóc nhau và có chỗ hương khói cho cha chúng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chưa làm được. Tôi nghĩ rồi, khi các cháu đủ 18 tuổi sẽ cho đi làm để ổn định cuộc sống” - bà Loan thật thà nói.

Hoàn cảnh thứ hai mà tôi tìm đến là gia đình hai chị em bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi) và Nguyễn Thị Lan (65 tuổi) ở thôn Tân Bình, xã Bù Nho. Cũng như bao người khác, bà Bé từng có tình yêu đẹp nhưng người yêu mất khi chuẩn bị kết hôn nên bà không lập gia đình. Còn bà Lan có con trai làm chỗ nương tựa tuổi già nhưng đã chết vì tai nạn giao thông khi mới 25 tuổi. Từ đó, hai chị em bà nương tựa vào nhau sống qua ngày. Bà Lan cho biết: “Tuy lớn tuổi nhưng 5 giờ sáng bà Bé đã dậy cạo điều thuê, số tiền thu được cũng chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày. Trong lúc khó khăn, chị em tôi được ông Bùi Văn Sâm hỗ trợ mỗi tháng 20kg gạo, đến nay đã được 2 năm. Đó là sự hỗ trợ rất ý nghĩa giúp chúng tôi vượt qua khó khăn. Mong sao xã hội có nhiều người làm từ thiện như thế” - bà Lan chia sẻ.

Ông Đới Xuân Chung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bù Nho cho biết: Anh Sâm gắn  bó với rất nhiều địa chỉ nhân đạo ở nhiều xã khác nhau. Riêng ở Bù Nho, anh gắn với 20 địa chỉ nhân đạo. Ngoài hỗ trợ mỗi đối tượng 10kg gạo/tháng, anh còn tặng 300 phần quà cho hộ nghèo, trẻ em khó khăn dịp tết Nguyên đán hằng năm. Nhiều cháu được anh Sâm hỗ trợ giờ đã vào đại học.

Giá trị của hạnh phúc

Vào thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho lập nghiệp từ năm 1989, anh Bùi Văn Sâm lao vào kiếm tiền để lo cho tổ ấm của mình. Anh quay cuồng trong vòng xoáy đồng tiền, đến một ngày tỉnh ngộ và dừng lại thì gia đình nhỏ của anh đã đổ vỡ. Chán nản, anh quay lại đổ lỗi và căm thù chính những đồng tiền do mình làm ra và lao vào ăn chơi cùng bạn bè để quên đi khổ đau.

Cuộc sống đang đi vào bế tắc thì anh gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Liêu (29 tuổi) ở xã Thống Nhất (Bù Đăng), người đã làm cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác. “Trước kia, mỗi lúc nhận quà từ những nhà hảo tâm em rất vui vì “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà. Giờ mình có sức khỏe, có trí tuệ và có tiền hãy giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh” - chị Liêu đã thức tỉnh chồng bằng chính hoàn cảnh khó khăn và khao khát được giúp đỡ người khác.

Và chị đã vực anh đứng dậy, bắt đầu hành trình đi gieo niềm vui. Những địa chỉ khởi đầu hoạt động thiện nguyện chính là nơi anh gặp chị (xã Thống Nhất). “Làm một việc thiện thì lòng thanh thản, thấy người khác vui một thì mình vui mười. Tôi xem những hoàn cảnh đó như là người thân của mình và phải có trách nhiệm với họ. Nếu đến ngày quy định trong tháng mà chưa đi đưa gạo, tiền cho các hộ đó thì thấy không yên tâm. Được giúp đỡ và nhìn thấy họ vui làm tôi tìm được ý nghĩa và giá trị thật sự của cuộc sống” - anh Sâm chia sẻ.

Ngày giáp tết, những hoàn cảnh khó khăn luôn khát khao một cái tết sum họp bên người thân. Để làm ấm lòng họ, vợ chồng anh đang lên danh sách những địa chỉ cần đến và chuẩn bị nhiều phần quà giúp những cảnh đời bất hạnh. “Bác Hai tạp hóa” hay “Bác Hai từ thiện” là tên gọi thân thương mà người dân thôn Tân Lực nói đến mỗi khi nhắc về anh.    

Đến bây giờ vợ chồng anh không nhớ đã giúp cho bao nhiêu người và số tiền là bao nhiêu. Mỗi dịp tết, gia đình anh chuẩn bị 700 phần quà với kinh phí khoảng 210 triệu đồng tặng người nghèo ăn tết. Hiện ở Bù Đăng và Bù Gia Mập, anh chị đã gắn với 35 địa chỉ nhân đạo. Gần đây nhất, anh ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh 154,2 triệu đồng. 

“Một năm anh Sâm chi cho hoạt động “từ thiện” của xã gần 100 triệu đồng” - Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất Nguyễn Huy Long.

Ngọc Bích 

  • Từ khóa
53164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu