Thứ 5, 18/04/2024 17:14:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:15, 02/10/2014 GMT+7

Anh hùng Lưu Nhân Chú

Thứ 5, 02/10/2014 | 09:15:00 262 lượt xem
BP - Theo sách “Danh tướng Việt Nam”, cuộc vây hãm của nghĩa quân Tây Sơn đã buộc thành Tây Đô gần như hoàn toàn bị cô lập và càng ngày càng trở nên khốn quẫn. Những cuộc tập kích liều lĩnh của quân Minh hòng phá thế bị bao vây đều bị Lưu Nhân Chú và các tướng của Lam Sơn đập tan. Nhờ những công lao này, cuối năm 1425, Lưu Nhân Chú được phong tới tước Hầu.

Sau khi cầm quân tham gia các trận đánh giải phóng Thanh Hóa và vây hãm thành Tây Đô, Lưu Nhân Chú lại được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy giao nhiệm vụ mới cùng với các tướng Bùi Bị, Lê Trương và Lê Ninh chỉ huy một trong số ba đạo quân của Lam Sơn tấn công ra vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động và uy hiếp thành Đông Quan bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Nhờ công lao này, tháng 3 năm 1427, Lưu Nhân Chú được phong là Hành Quân Đô Đốc Tổng Quản, Nhập Nội Đại Tư Mã, quản lĩnh cả bốn vệ là Tiền, Hậu, Tả và Hữu. Ba tháng sau, ông lại được thăng là Tư Không. Và sử cũ chép rằng: Lê Lợi có lần dặn ông rằng: Chức tước đã cao thì sớm hôm phải chăm chỉ, không nên trễ nải, biếng nhác, khiến uổng phí công lao. Nói rồi, ban cho ông một thanh kiếm.

Gần cuối năm 1427, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh và mục tiêu quan trọng nhất là đạo viện binh hùng hậu do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng, Lạng Sơn. Tướng Lưu Nhân Chú được lệnh cùng với một số tướng lĩnh khác đem một vạn tinh binh và năm thớt voi chiến lên ải Chi Lăng. Tại đây, nhờ kết hợp với lực lượng của Trần Lựu, Lưu Nhân Chú và các tướng đã dồn Liễu Thăng vào ổ mai phục ở núi Mã Yên và giết chết viên chủ tướng hung hăng này cùng với khoảng một vạn quân lính vào ngày 10-10-1427.

Tuy bị tổn thất rất nặng nề, nhưng ỷ có quân số còn rất đông, các tướng cao cấp và dày dạn kinh nghiệm trận mạc của nhà Minh quyết định tiếp tục hành quân và tiếp tục thực hiện kế hoạch đi cứu nguy cho Vương Thông. Viên Phó tổng binh, tước Bảo Định Bá là Lương Minh thay thế cho Liễu Thăng chỉ huy lực lượng quân Minh còn lại. Ngày 15-10-1427, ngót 9 vạn quân Minh đã lọt vào ổ mai phục thứ hai của Lam Sơn tại Cần Trạm, Lạng Sơn. Bấy giờ, Lưu Nhân Chú là một trong các tướng chỉ huy trận đánh thứ hai này. Các tướng Nguyễn Lý và Lê Văn An cũng được lệnh đem ba vạn quân lên tiếp ứng. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Lam Sơn đã tiêu diệt gần hai vạn quân Minh. Tướng cao cấp nhất của giặc là Lương Minh vừa mới lên nắm quyền đã bị chém đầu.

Sau trận thắng này, Lưu Nhân Chú cùng với các vị tướng lĩnh khác gấp rút kéo quân về Xương Giang để kịp thời chuẩn bị cho cuộc tập kích mới. Cũng sau trận thua đau ở Cần Trạm, về phía giặc, Đô Đốc là Thôi Tụ cùng Binh Bộ Thượng Thư là Lý Khánh và Công Bộ Thượng Thư là Hoàng Phúc lên nắm quyền chỉ huy. Chúng vội vã hành quân với hi vọng là tính kế sách mới. Nhưng, khi chúng đến nơi thì thành Xương Giang đã bị san bằng trước đó mười ngày! Thôi Tụ buộc phải cho quân hạ trại ở ngay giữa cánh đồng Xương Giang. Khi đến Xương Giang, Bộ chỉ huy cao cấp của giặc chỉ còn có Đô Đốc Thôi Tụ và Công Bộ Thượng Thư Hoàng Phúc mà thôi. Trước đó vào ngày 15-10-1427, Binh Bộ Thượng Thư Lý Khánh, vì sợ đã thắt cổ tự tử ở Phố Cát,Lạng Sơn. Lực lượng quân Minh ở Xương Giang lúc bấy giờ chỉ còn khoảng bảy vạn. Chúng bị quân Lam Sơn bao vây khắp cả bốn mặt và liên tiếp gửi thư dụ hàng.

Ngày 3-11-1427, cuộc tập kích có quy mô lớn chưa từng thấy của Lam Sơn vào Xương Giang bắt đầu. Lưu Nhân Chú có vinh dự được tham gia chỉ huy cuộc tập kích đó. Trong trận này, tất cả tướng lĩnh chỉ huy của quân Minh tại đây, từ Đô Đốc Thôi Tụ và Công Bộ Thượng Thư Hoàng Phúc trở xuống, đều bị bắt sống hoặc bị giết.

Lời bàn:

Năm 1416, Lưu Nhân Chú là một trong số 18 người cùng dự Hội thề Lũng Nhai với Lê Lợi và thề cùng nhau đánh đuổi quân Minh xâm lược. ông là đại công thần khai quốc nhà Lê Sơ. Sau thắng lợi của cuộc chiến chống quân Minh, ông được vua Lê ban quốc tính. Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ trong bia công thần và được dẫn lại trong Đại Việt thông sử, có đoạn viết về ông như sau: Tài năng lớn như cây tùng cây bách; Đức độ sáng như ngọc dư, ngọc phan. Thương nước nhà trong cơn hoạn nạn. Vì nghiệp vua không nỡ ẩn thân. Chốn Linh Sơn đói khổ mấy tuần, ngươi toàn tâm chu tất. Xứ Ai Lao vất vả muôn phần, tấm thân người chẳng tiếc. Cứu khốn phò suy: giành lại cơ đồ, chẳng sá cháo rau cơm hẩm; Diệt trừ bạo loạn: rửa sạch đất trời, bao quản gươm vàng ngựa sắt”.

Vâng, chỉ với bấy nhiêu cũng đã quá đủ để hậu thế ngày nay phải kính cẩn nghiêng mình trước tài năng, đức độ của Đại tướng quân Lưu Nhân Chú. Và điều muốn nói sau giai thoại này là những lời của vua Lê Lợi nói về ông ngày xưa dù được khắc trên bia đá, nhưng thời gian đi qua rồi có thể cùng bị mòn, song tên tuổi và sự nghiệp của ông với dân, với nước sẽ tồn tại mãi mãi cùng dân tộc Việt.

K.N

  • Từ khóa
109587

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu