Thứ 5, 25/04/2024 11:09:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:11, 11/07/2015 GMT+7

Ăn xổi thì... không bền vững

Thứ 7, 11/07/2015 | 10:11:00 104 lượt xem
BP - Những ngày này, ngành du lịch Việt Nam đang bận rộn với lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập 9-7-1960 - 9-7-2015. Đây là sự kiện, dấu mốc quan trọng và cũng là dịp để ngành du lịch trong cả nước đánh giá vai trò của mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý bởi kiểu ăn xổi trong du lịch như thời gian qua thì không thể phát triển bền vững được.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đón khoảng 3,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014; khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 17,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 190 ngàn tỷ đồng, một con số quá thấp so với các nước khác. Trong khi đó, nước ta có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch thành một ngành bền vững, ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không khai thác được tiềm năng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hạ tầng cơ sở, dịch vụ lưu trú, cơ sở du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế nên khó thu hút khách... Tuy nhiên, thực tế cho thấy du lịch Việt Nam đang tự đánh mất tiềm năng của mình qua những việc không giống ai.

Thứ nhất, vấn đề quảng bá của du lịch nước ta rất hạn chế, cơ chế hoạt động chưa linh hoạt. Ít đầu tư cho quảng bá, xây dựng hình ảnh, thiếu văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, thiếu thông tin và hỗ trợ du khách. Thứ hai, du lịch ở Việt Nam mang tính tự phát, chưa phát triển đồng bộ hay đầu tư bài bản như dịch vụ, hạ tầng, ẩm thực, lưu trú... ngoại trừ một số thành phố lớn. Thứ ba là thiếu chủ động trong phát triển nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, thiếu cái tâm trong hoạt động du lịch, ô nhiễm môi trường, các sản phẩm du lịch đã thiếu và yếu lại chưa có sáng tạo. Điều quan trọng là du lịch Việt Nam đang xảy ra tình trạng làm ăn theo kiểu chụp giật, “chặt chém” du khách, tình trạng xin ăn, móc túi, níu kéo du khách, bán hàng rong...diễn ra ở nhiều nơi. Ẩm thực thì chưa đa dạng, phong phú”. Các sản phẩm mang tính đặc thù bị làm dối như tôm bơm tạp chất, cua biển buộc dây tăng trọng lượng, bơm trứng vịt muối thành gạch cua... Hoặc đẩy giá bán thức ăn, đồ uống và sẵn sàng đe dọa du khách nếu có phản ứng... Đây là những kiểu làm ẩu, ăn xổi của ngành du lịch Việt Nam nên rất khó để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Để ngành du lịch phát triển bền vững, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phải quyết liệt chấm dứt tình trạng “chặt chém” du khách. Đồng thời, phải đặt ba yếu tố cơ bản về môi trường, văn hóa - xã hội, kinh tế là những yếu tố cơ bản trong phát triển du lịch. Biến tài nguyên môi trường thành di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên làm điểm đến cho du khách. Tôn trọng tính trung thực về xã hội và bảo tồn di sản văn hóa, các giá trị truyền thống của các dân tộc cũng như văn hóa du lịch. Song song đó là việc bảo đảm cho kinh tế phát triển ổn định đủ cung cấp sản phẩm, phương tiện và các dịch vụ hoạt động du lịch phát triển bền vững.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu