Thứ 6, 29/03/2024 09:17:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:28, 19/02/2013 GMT+7

Không thể phó mặc cho thầy, cô giáo

Thứ 3, 19/02/2013 | 16:28:00 182 lượt xem

Cuối tuần rồi, tôi dự họp phụ huynh cho con trai, đang học lớp 12, trường THPT Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài. Đúng giờ, cô chủ nhiệm P.T.T.H điểm danh phụ huynh có mặt để triển khai họp. Chương trình họp gồm 3 phần: Một là thông báo kết quả trong học tập học kỳ I của 47 học sinh. Tiếp đến là thông báo tình hình nhà trường như: Sĩ số học sinh, tỷ lệ xếp loại học sinh, các giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia... Nhìn chung, thông qua sự phấn đấu của ban giám hiệu, thầy cô giáo và các em học sinh trong toàn trường, hầu hết các chỉ tiêu tích cực đều tăng. Tiếp theo cô giáo nhận xét đánh giá từng học sinh về lực học, điểm mạnh, điểm yếu khá chi tiết. Ngồi nghe, tôi thực sự xúc động và cảm phục cô giáo chủ nhiệm, bởi trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, sự gắn kết giữa giáo viên (chủ nhiệm) với học trò thực sự đã và đang bị chi phối không nhỏ, theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên, tại lớp học cụ thể này, cô giáo chủ nhiệm không chỉ quan tâm đến chuyện học hành mà còn tường tận tính nết, sở thích, tâm lý của mỗi học sinh. Điều đó cho thấy rõ tâm huyết của cô đối với sự nghiệp trồng người!

Nhưng rồi, trong lòng tôi lại trào dâng một nỗi buồn, cảm thấy có lỗi với cô giáo chủ nhiệm bởi có khá nhiều phụ huynh ngồi cuối lớp nói chuyện riêng rất to, đến độ cô giáo phải nhắc giữ trật tự đến 3 lần. Buồn hơn thế là có đến 13/47 phụ huynh vắng mặt, trong đó có những bậc cha mẹ vắng cả lần họp đầu năm, hoặc đã sang học kỳ II mà có cha mẹ chưa đóng góp một khoản nào cho nhà trường... Trên đường về, tôi cứ miên man nghĩ, sao lại có những bậc cha mẹ thờ ơ, phó thác chuyện học hành của con em mình cho thầy cô, nhà trường đến mức không muốn biết kết quả học tập, rèn luyện của con em mình ra sao. Chỉ còn vài tháng nữa thôi, các em sẽ rời ngôi trường phổ thông để bước vào môi trường học tập chuyên nghiệp, bắt đầu một cuộc sống tự lập xa gia đình. Nếu họ tiếp tục phó thác cho xã hội, con em họ rồi sẽ ra sao?  

Khoa học đã chứng minh và chúng ta vẫn thường nói: Nhân cách của con trẻ được hình thành bởi ba môi trường quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội. Song hiện nay, không ít gia đình chỉ lo kiếm tiền, không ít bậc cha mẹ quên đi trách nhiệm dõi theo con em mình học hành ra sao, tâm lý thế nào, hòa nhập cộng đồng đến đâu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư chiến lược, chiều sâu. Thực tế đã cho thấy rất nhiều gia đình giàu có, tiền bạc rủng rỉnh, nhưng vì thờ ơ với việc giáo dục con cái đã phải nhận những hậu quả hết sức đau lòng. 

Thanh Vũ

  • Từ khóa
108333

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu