Thứ 6, 29/03/2024 21:00:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:56, 13/02/2016 GMT+7

Ăn tết xưa và chơi tết nay

Thứ 7, 13/02/2016 | 14:56:00 113 lượt xem
BP - Sau nhiều năm xa quê lập nghiệp trên đất Bình Phước và cũng chẳng còn bao lâu nữa là nhận sổ hưu, mỗi khi tết đến xuân về trong tôi vẫn chộn rộn nhớ về những cái tết xưa, khi mình còn là một đứa trẻ.

Hăm ba tháng chạp, sau lễ cúng ông Táo, thầy mẹ tôi bắc thêm tấm ván nơi cầu ao và bắt đầu ì oạp tát nước. Gió bấc căm căm, đứng nơi bờ ao càng rét buốt, chưa kể thi thoảng lại bị nước bắn vào người khiến hai đầu gối tôi cứ run lẩy bẩy. Ấy vậy mà tôi vẫn cứ thích ra hóng hớt ngoài chỗ tát ao rồi tưởng tượng chỉ vài ngày nữa sẽ được lúp xúp chạy theo gánh cá của mẹ đi chợ tết. Năm nào cũng thế, bán xong cá thể nào mẹ cũng mua cho tôi cái bánh rán lăn đường béo nhẫy, ngọt lịm rồi dẫn tôi vô cửa hàng bách hóa tổng hợp để mua áo mới. Và khi đi qua hàng pháo, thể nào tôi cũng nì nèo để được mẹ mua bánh pháo tép về đốt trong đêm giao thừa.

Xóm nhỏ của tôi ngày ấy toàn những hộ nghèo, nhà nào cũng chình tường đất, sân cũng là sân đất. Cả xóm chỉ hai nhà có sân vôi. Những ngày giáp tết, những chiếc sân bày ra những phận người, bởi chẳng cần sục vào buồng, chỉ cần nhìn trên mặt sân là biết nhà nào sẽ ăn tết to. Nhìn bó lạt giang đong đưa trên dây phơi là có thể nhẩm tính chừng ấy lạt có thể gói bao nhiêu chiếc bánh chưng, bao nhiêu chiếc giò. Nhìn rổ rau heo đầy ngộn mé vườn và đàn gà thi thoảng lao vào sân mổ trộm đậu, lạc rồi bị xua đuổi vừa chạy trở ra vườn vừa kêu quang quác đủ biết nhà nào có của ăn của để. Rồi những hũ hành, hũ kiệu, mắm tép phơi ở góc sân cũng sẽ biết nhà nào căn cơ dành dụm, nhà nào ăn bữa sáng chưa lo được bữa tối.

Hồi ấy, hễ nhắc đến tết là người ta nói đến ăn. Ăn tết. Người dân quê quanh năm quần quật, thiếu thốn mọi bề, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, mỗi năm chỉ chờ dịp tết đến mới được mặc quần áo mới, được ăn những bữa ngon và đi chơi đây đó để bù lại những tháng ngày vất vả. Vì thế mà tết thường kéo rất dài, đợi đến mùa sau. Và có lẽ vì đói quanh năm nên người ta nghĩ ra đủ cách để có tết. “Tháng giêng ăn tết ở nhà. Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè. Tháng tư đong đậu nấu chè. Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”... Với người dân quê tôi thời ấy, tiêu chí để đánh giá nhà nào ăn tết to là ở số lượng thịt heo và gạo nếp tiêu thụ trong dịp tết. Nhà tôi có bảy người nhưng là trưởng cành nên rất nhiều người tới để cúng tết. Những người bà con đến thường chỉ mang theo bó hương và ít vàng mã, nhà nào sang hơn thì có thêm chai rượu gạo nhưng họ đã đặt lễ, thắp hương lên bàn thờ gia tiên thì phải dọn cỗ. Bởi thế năm nào mẹ tôi cũng phải nuôi heo để dành. Tết đến phải có một nồi thịt đông, một nồi cá kho to tướng. Có năm mẹ tôi nấu tới ba đấu gạo bánh chưng, chưa kể đậu xanh và vài cân thịt làm nhân, thế mà mồng năm tết đã hết veo khiến thầy tôi cứ cằn nhằn là mẹ không chu đáo. Giờ nghĩ lại tôi vẫn không thể hiểu vì sao cái bụng bé tí của tôi lại có thể chứa được già nửa chiếc bánh chưng to tướng sau một chầu đánh dồi, đánh đáo ở sân đình trở về!

Bây giờ, trừ những vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, còn hầu hết đã có cuộc sống đủ đầy. Kinh tế phát triển và “toàn cầu hóa” nên hàng nội hàng ngoại đầy ngập trong các siêu thị, các chợ. Chẳng mấy ai còn nghĩ tới ăn tết nữa, vì ngày nào chẳng như ăn tết! Bánh chưng, củ kiệu, dưa hành, giò chả, bánh mứt, trái cây lúc nào cũng sẵn. Cho nên tết mà nghe đến “ăn” thì ai cũng sợ! Vì thế người ta chuyển sang chơi tết.

Có rất nhiều cách chơi tết. Bình dân thì rủ nhau lên núi, xuống biển hay ít ra là đến các khu giải trí cho trẻ con vui chơi, người lớn thư giãn. Ba ngày tết, thay vì tập trung con cháu xì xúp nấu nướng, cúng kiếng rồi ăn uống linh đình thì nhiều gia đình đóng cửa vi vu đón xuân. Đặc biệt những năm gần đây, rộ lên trào lưu các đại gia đặt tour du lịch nước ngoài đắt tiền để đón tết. Dẫu chưa phải đại gia nhưng vợ chồng đứa cháu họ tôi cùng làm việc cho một công ty nước ngoài với thu nhập khá cao, hiện đang sống tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã chọn tour Dubai - Abu Dhabi 6 ngày, giá trọn gói 50 triệu đồng/người. Sau đó, cả gia đình còn dành 1 ngày đêm để trải nghiệm tại khách sạn siêu sang 7 sao dát vàng Burj al-Arab với giá 3.500 USD/người/đêm. Tính sơ sơ cả gia đình cũng hết gần nửa tỷ đồng. Thế mà vẫn chưa hết số tiền thưởng tết của hai vợ chồng cộng lại. Một trào lưu khác là săn lùng những đồ vật, cây cảnh hoặc loại rượu lạ, “độc”. Có người sẵn sàng bỏ ra 5 tỷ đồng để rước cây “độc” về đón tết. Có người sưu tầm những chai rượu dát vàng, ngọc về trưng tết. Lại có gia đình giắt lưng tiền tỷ đi châu Âu du lịch và mua sắm...

Tết Bính Thân 2016 này tính cả ngày nghỉ bù và thứ bảy, chủ nhật là 9 ngày. Con gái đề xuất đi du lịch. Tôi đồng ý, bảo gia đình mình sẽ du lịch về quê, rồi nhờ đứa cháu làm ở hãng hàng không Vietnam Airlines đặt mua sớm để được vé giá rẻ. Gia đình nhỏ của tôi sẽ cùng các gia đình chị, em tạo nên một cái tết đoàn tụ, sum vầy đầm ấm bên thầy mẹ. Con cháu lớn nhỏ sẽ tề tựu đông đủ bên ông bà, để cha mẹ già được thấy cháu con hiếu thảo, đoàn kết và trưởng thành, để thầy mẹ tôi an lòng khi thấy thế hệ tương lai sẽ thay thế mình chăm sóc bàn thờ tiên tổ.

Chẳng biết thầy tôi mong đến cỡ nào mà vừa nghe tin gia đình tôi về quê đón tết, ông cụ thốt lên, tốt quá rồi, các con không về, cửa nhà trống vắng thì cao lương mỹ vị gì thầy mẹ cũng nuốt không trôi!

Thảo Linh

  • Từ khóa
53524

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu