Thứ 7, 20/04/2024 00:09:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 23/10/2011 GMT+7

Tiêu chết nhanh: Phòng bệnh là chính

Chủ nhật, 23/10/2011 | 00:00:00 321 lượt xem

Thời điểm này, giá tiêu đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với 160-180 ngàn đồng/kg, mang lại cho người trồng tiêu niềm hy vọng lớn. Giá tiêu tăng kết hợp với dự kiến năng suất tiêu cao trong vụ này coi như nhà vườn trúng đậm. Thế nhưng, nhiều hộ trồng tiêu ở một số nơi trên địa bàn tỉnh đang rơi vào hoàn cảnh khốn khó vì vườn cây bị nhiễm bệnh.

KHỐN ĐỐN VÌ TIÊU CHẾT NHANH

Khảo sát các vườn tiêu ở ấp 3, xã Thanh Hòa (Bù Đốp), không khó để nhận ra cây tiêu đang bị nhiễm bệnh chết nhanh. Chỉ cần rung mạnh là hàng loạt trái và lá rụng theo. Ở phần gốc đã hư thối, chỉ cần kéo nhẹ là đứt gốc. Trên vườn tiêu 1.000 nọc của gia đình anh Vũ Ngọc Thuận ở tổ 9, ấp 3, chúng tôi quan sát thấy biểu hiện tương tự. Anh Thuận mới phát hiện triệu chứng bệnh được 2 ngày thì tiêu đã rụng hết trái và lá, chỉ còn trơ lại thân cây. Nếu cây nhiễm bệnh và chết rải rác theo từng khóm, khoảng chừng 3-4 cây thì việc nhiễm bệnh lan rộng là có nguy cơ cao. Vườn tiêu nhà anh Thuận là một trong những vườn cây bị nhiễm bệnh nhanh và chết nhiều so với các hộ khác. Cả vườn có 1.000 nọc tiêu thì đến thời điểm này đã nhiễm bệnh đến 1/3. Ngay từ khi vườn tiêu có biểu hiện nhiễm bệnh chết nhanh từ tháng 7 đến nay, anh Thuận đã đầu tư khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc chữa trị nhưng không hiệu quả.

Anh Thuận xót xa trước vườn tiêu nhiễm bệnh chết nhanh

Vườn tiêu của hộ anh Nguyễn Ngọc Hương cùng ấp 3, cũng là một trong số hộ có tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Anh Hương nói: Vườn tiêu nhà tôi có 800 nọc nhưng bị nhiễm bệnh khoảng gần 1/3, phát hiện triệu chứng của bệnh tôi đã “đổ” vào trên chục triệu đồng mua thuốc chữa trị nhưng tình hình không khả thi, cây vẫn chết. Lao động vất vả, cuộc sống nhờ vào vườn tiêu, mất mùa thì còn mùa vụ sau, chứ mất cây thì mất hết. Thế nên, chúng tôi sẽ tiếp tục mua thuốc chữa trị, may ra cứu được cây nào hay cây đó. Nhưng càng dốc vốn càng mất tiền mà không cứu được cây tiêu. Nhiều hộ trong ấp có vườn tiêu cũng bị nhiễm bệnh chết nhanh như vậy. Nếu tình trạng tiêu chết cứ lan rộng như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa sẽ có nhiều hộ “mất cả chì lẫn chài”.

PHÒNG BỆNH LÀ CHÍNH

Triệu chứng trên là bệnh chết nhanh - bệnh nguy hiểm trên cây tiêu hiện đang diễn ra ở các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk..., đặc biệt vào mùa mưa. Bệnh tiêu chết nhanh do nấm Phytophthora capsici gây ra. Bệnh có thể tấn công tất cả các bộ phận của cây tiêu nhưng nguy hiểm nhất vẫn là trên cổ rễ, làm cho cây chết rất nhanh. Nếu gặp mưa, nấm sẽ sinh sản, phát triển nhanh và gây hại, hủy diệt bộ rễ cây. Khi thấy cây có biểu hiện nhiễm bệnh và bị chết trong khoảng thời gian ngắn nhưng thực ra bộ rễ đã bị nấm tấn công trước đó một thời gian dài. Vì thế, cây tiêu thường bị chết hàng loạt vào cuối mùa mưa.

Anh Nguyễn Văn Bắc, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp, cho biết: Cán bộ của trạm đã khảo sát tại vườn và hướng dẫn các hộ trồng tiêu cách phòng, trị bệnh chết nhanh ở cây tiêu, trong đó phương pháp phòng bệnh là chính. Thời gian qua, tiêu chết nhanh xuất hiện do các hộ trồng chưa có chế độ chăm sóc tiêu đúng quy trình kỹ thuật, chưa có cách phòng bệnh triệt để, đầu tư chưa đúng mức và khi xuất hiện bệnh cũng không trị bệnh đồng loạt, triệt để. Đối với cây chưa nhiễm bệnh, nông dân phải làm rãnh thoát nước trong hố cây, tránh để nước đọng trong nhiều ngày khi mưa. Không xới đất hay làm cỏ khi trời mưa để tránh làm đứt rễ cây và nấm bệnh xâm nhập. Tăng cường sử dụng phân vi sinh hữu cơ, phân chuồng đã ủ và sử dụng thuốc Trichodema xịt trên lá, đổ gốc cây, vùng đất xung quanh để phòng bệnh.

Đối với cây bị bệnh, các hộ có thể trị bệnh bằng cách: Sử dụng 1 chai Agriphos-400 kết hợp với 1kg Manthan pha 200 lít nước, đổ từ 3-4 lít nước/gốc tiêu. Hoặc, dùng 4 gói Alonil cộng với 1kg Mataxyl pha với 200 lít nước, đổ 3-4 lít nước/gốc tiêu và xịt trên lá cây. Chú ý, những cây bị chết, phải thu gom sạch sẽ thân, lá, bộ rễ, cỏ dại trong vườn và tiêu hủy, nhằm tránh lây lan mầm bệnh sang cây khác. Cắt tỉa hợp lý cây nọc, cây che bóng mát, nhánh vô hiệu... để vườn tiêu thông thoáng, hứng được nhiều ánh sáng. Bệnh chết nhanh diễn ra trong thời gian ngắn, thường phát triển vào mùa mưa, gây thiệt hại lớn đến vườn tiêu. Vì vậy, bà con nông dân cần thăm vườn thường xuyên, chủ động áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh kịp thời.

H.Châu - C.Liên

  • Từ khóa
39204

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu