Thứ 4, 17/04/2024 01:01:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:31, 13/02/2016 GMT+7

Âm vang tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968

Thứ 7, 13/02/2016 | 07:31:00 5,322 lượt xem

BP - Năm 2016 - Bính Thân, chúng ta lại nhớ về một năm Thân hào hùng, ghi đậm dấu ấn trong lịch sử của dân tộc; đó là năm Mậu Thân - 1968. Gần nửa thế kỷ đi qua nhưng cứ mỗi độ tết đến xuân về, mỗi người dân Việt Nam vẫn như nghe vang vọng lời thơ Bác Hồ chúc tết Mậu Thân - 1968: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Giờ giao thừa tết Mậu Thân - 1968, quân dân miền Nam náo nức đón thơ chúc xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chính là “Lệnh tổng tiến công” lúc bấy giờ. 

ĐÒN QUYẾT ĐỊNH

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân - 1968 diễn ra trên toàn miền Nam với 3 đợt, mạnh như vũ bão. Đợt 1, từ đêm 30 rạng 31-1-1968 (đêm giao thừa) đến ngày 25-2-1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay. Trong đợt 2, từ ngày 5-5 đến 12-5-1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố và thị xã, 58 thị trấn và quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch. Đợt 3, từ ngày 17-8 đến 30-9-1968, quân và dân ta đã tấn công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố và thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ và chi khu quân sự, 47 sân bay, 3 tổng kho lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ và quân đội ngụy. Như vậy, các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tấn công. Nhưng điểm đặc biệt là lần đầu tiên quân ta tiến công vào tất cả đô thị, nơi tập trung lực lượng quân sự, chính trị chủ yếu của địch. Đó là đòn bất ngờ và đã gây thiệt hại to lớn cho địch.

Một trung đội quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1968 - Ảnh: Tư liệuMột trung đội quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1968 - Ảnh: Tư liệu

Tổng tiến công, đồng loạt nổi dậy tết Mậu Thân - 1968 đã làm nên chiến thắng to lớn, mà lớn nhất là làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng được bằng quân sự ở Việt Nam, cho dù đã đưa gần nửa triệu quân Mỹ vào tham chiến. Tác động to lớn, trực tiếp của cuộc tổng tiến công là buộc Mỹ phải hạn chế ném bom, bắn phá miền Bắc, tiến đến chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, tham gia đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân - 1968 là đòn quyết định mở đầu quá trình Mỹ rút quân và bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đi đến kết thúc chiến tranh.

MẬU THÂN Ở BÌNH PHƯỚC

Tỉnh Bình Phước là địa bàn chiến lược, cửa ngõ của quân ta tiến về Sài Gòn. Hòa chung khí thế tổng tiến công và nổi dậy của toàn miền Nam, quân và dân Bình Phước trong những ngày tết Mậu Thân sục sôi năm ấy đã nhất tề đứng lên, đồng loạt tấn công, gây cho địch những thiệt hại to lớn. Nhiều nơi chúng ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân.

Tại Bình Long, lực lượng C70, C71, C75, đại đội đặc công, đại đội pháo kết hợp với 4 mũi công tác, đồng loạt tiến công, tập trung đánh vào các mục tiêu địch trong thị xã An Lộc. Trên các địa bàn Chơn Thành, Lộc Ninh quân và dân ta đều ra quân phối hợp với mặt trận chính An Lộc. Tại Chơn Thành, du kích thực hiện nhiệm vụ bao vây, pháo kích, đồng loạt tiến công vào chi khu, cảnh sát và một số mục tiêu khác, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Lộc Ninh, một bộ phận lực lượng Sư đoàn 7 chủ lực Miền phối hợp lực lượng vũ trang huyện và du kích tiến công, pháo kích vào chi khu, các mục tiêu địch trong thị trấn Lộc Ninh và các đồn bốt xung quanh, đánh địch ở làng 5 (Lộc Tấn), làng 2 (Lộc Thiện) và Lộc An, Lộc Hòa.

Ở Phước Long, vào giờ G ngày 31-1-1968, theo hợp đồng Tiểu đoàn 212, Quân khu 10 cùng Tiểu đoàn 168, lực lượng đặc công tỉnh và các đội mũi công tác U11, U13 thực hiện tiến công quân sự và vũ trang tuyên truyền vận động nhân dân nổi dậy. Mục tiêu tấn công chính gồm các cứ điểm địch trong tỉnh lỵ Phước Long, quận lỵ Phước Bình, ấp chiến lược Chu Ninh (Bù Đốp). Ở Phước Bình, bộ đội ta xây dựng công sự bám trụ chiến đấu, đồng bào giúp vật liệu, dụng cụ và lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Ngày 1-2-1968, quân ta phát triển đánh chiếm xung quanh Sơn Trung, Sơn Hà, Sơn Giang, Tư Hiền và đánh ấp chiến lược Bù Giai. Sáng 2-2-1968, vùng giải phóng trong các dinh điền Lệ An, Bù Rạt, Đức Bổn, Bù Nho huy động đồng bào chuẩn bị gậy gộc xuống đường khi có thời cơ. Đồng thời với các mũi tiến công địch ở tỉnh lỵ Phước Long, quận lỵ Phước Bình, lực lượng bộ binh và C102 của Tiểu đoàn 168 đã tiến công sân bay Phước Bình.

Tại Đồng Xoài, để “chia lửa” với Phước Long, trung đội địa phương (trong đó có nhiều đồng chí người dân tộc thiểu số) tấn công bọn dân vệ bảo vệ cầu. Ở Bù Đăng, ta tiến công các yếu khu Bù Na, hệ thống ấp chiến lược Vĩnh Thiện, Bù Môn, phát động quần chúng nổi dậy, giành chính quyền. Tại Lộc Ninh, một bộ phận Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” Mỹ thực hiện cuộc càn vào làng 2. Trong lô cao su thứ 31, trên đường vào làng 2 có 1 dốc gọi là Dốc 31 (dốc Năm Ông). Tại đây, một bộ phận Sư đoàn 7 chủ lực Miền phối hợp với Trung đội Lộc Ninh, tổ chức trận phục kích, loại khỏi vòng chiến gần 200 tên địch, bắt sống 2 tên Mỹ, đập tan cuộc phản kích vào làng 2. Tổng tiến công và nổi dậy, quân dân toàn tỉnh Phước Long đã đánh 117 trận, loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên Mỹ - ngụy, cùng với quân dân toàn tỉnh và miền Nam gây cho địch tổn thất nặng nề nhất so với bất kỳ đợt hoạt động quân sự nào trước đây... (*)

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân - 1968 là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chủ trương lịch sử có ý nghĩa chiến lược của Trung ương Đảng cuối năm 1967 đầu năm 1968, đã biến thành quyết tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng trên cả hai miền Nam - Bắc. 48 năm đã đi qua, thông điệp từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 còn có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đó là phải xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự từ trong thời bình, kết hợp kiến quốc với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, binh cường. Kết hợp hài hòa xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự với xây dựng kinh tế - xã hội, chính trị, đặc biệt là thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc từng tấc đất, bầu trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thế Quân

(*) Bài viết sử dụng nguồn “Lịch sử Bình Phước kháng chiến” (1945-1975) và “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” -  NXB Chính trị quốc gia

  • Từ khóa
14975

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu