Thứ 5, 25/04/2024 18:27:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:53, 28/09/2016 GMT+7

Ai bảo vệ nhà báo?

Hà Thanh
Thứ 4, 28/09/2016 | 08:53:00 108 lượt xem
BP - Gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc nhà báo bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp và hoạt động nghiệp vụ. Đối tượng hành hung phóng viên không chỉ là đối tượng xấu trong xã hội, mà đáng buồn lại có cả những người trong lực lượng công an. Ngày 23-9-2016, trong khi tác nghiệp, nhà báo Quang Thế của Báo Tuổi trẻ (TP. Hồ Chí Minh) bị Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) hành hung, gây thương tích. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự coi thường pháp luật, đồng thời cho thấy sự nguy hiểm khó lường trong quá trình tác nghiệp của người làm báo.

Báo chí là kênh thông tin hiệu quả trên mặt trận phòng chống tiêu cực, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật. Phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin xứng đáng được hưởng sự quan tâm bảo vệ của Nhà nước, của cộng đồng để có thêm động lực tiếp tục đấu tranh góp phần vì sự bình yên của xã hội. Tuy nhiên, nhà báo bị tấn công, đánh đập, hủy hoại phương tiện khi tác nghiệp đã và đang diễn ra với chiều hướng gia tăng. Rất nhiều vụ việc hành hung nhà báo mà mục đích của các đối tượng là trả thù, ngăn chặn báo chí đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực, tham nhũng hoặc các hành vi phạm pháp. Đặc biệt, trong số các đối tượng cản trở, hành hung phóng viên thì cán bộ cơ quan nhà nước lại chiếm đa số, họ là những người hiểu rõ nhất về quyền tác nghiệp của nhà báo.

Không ít câu hỏi được dư luận đặt ra là làm thế nào để bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp? Rõ ràng là nếu không có các biện pháp hữu hiệu, đặc biệt là hành lang pháp lý vững chắc thì việc hành hung nhà báo sẽ tiếp tục diễn ra. Các luật sư cho rằng, pháp luật hiện hành đã có những quy định để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Tuy nhiên, đây là những điều luật áp dụng chung cho toàn dân, mà còn thiếu những quy định cụ thể với đối tượng đặc thù như người làm báo. Một số lực lượng chức năng được trang bị công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ, nếu có kẻ chống đối có thể bị xử lý về tội “chống người thi hành công vụ”. Trong khi đó, nhà báo hoạt động tại những điểm nóng, xông pha vào những đề tài nguy hiểm không hề có công cụ hỗ trợ; khi bị hành hung, đập phá thiết bị tác nghiệp, vụ việc chỉ được xử lý như một công dân bình thường. Khi thảo luận để xây dựng sửa đổi Luật Báo chí, một đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định: “Quan niệm nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp không phải là đang thi hành công vụ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc nhà báo bị hành hung gia tăng”.

Tại các cuộc hội thảo tìm biện pháp hạn chế tình trạng nhà báo bị cản trở, hành hung, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết bản thân nhà báo cũng phải tự bảo vệ mình. Cơ quan báo chí cử người tới những nơi nhạy cảm không nên để phóng viên đến một mình mà cần có sự phối hợp. Khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý ngay. Vụ việc công an hành hung nhà báo Quang Thế đã có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí, nhất là Hội Nhà báo Việt Nam. Lãnh đạo Công an quận Đông Anh tuy đã xin lỗi nhà báo bị hành hung nhưng không thể cứ hành hung người khác rồi xin lỗi là xong. Vì vậy, cần phải điều tra, xem xét để có hướng xử lý theo luật pháp, bảo đảm cho các nhà báo yên tâm làm nhiệm vụ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu