Thứ 4, 17/04/2024 05:29:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:54, 07/07/2015 GMT+7

Ác nhân ác báo

Thứ 3, 07/07/2015 | 10:54:00 787 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư, để hại Tiệp dư Ngọc Dao, hoạn quan Đinh Thắng đã lấy một hình nhân đàn ông, lấy 7 mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua. Hoàng hậu là kẻ chủ mưu nhưng lại ra vẻ là người bị hại và đòi nhà vua phải truy cứu việc này đến cùng, phải tìm ra được người làm việc này và xử theo luật cho voi giày ngựa xéo. Một không khí nặng nề bao trùm trong cung. Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao là người bị nghi ngờ nhiều nhất. Nhà vua rất băn khoăn và chỉ khép vào tội phát lưu (đày đi xa).

Biết chuyện, quan Hành khiển Nguyễn Trãi vào triều kiến và ra lời can gián. Ông cho rằng chứng cớ xác đáng không có mà đã vội kết án Tiệp Dư là một việc làm thất đức và ông xin nhà vua cho mình được lo liệu việc này. Thái Tông nghĩ mãi, không còn cách nào hơn nên đành chấp nhận đề nghị của Nguyễn Trãi. Ngay đêm ấy, Nguyễn Thị Lộ (vợ thứ của Nguyễn Trãi) đã bí mật đưa Tiệp dư ra ẩn náu ở chùa Huy Văn. Tháng 11-1441, nhà vua xuống chiếu lập Bang Cơ làm Hoàng Thái tử. Sau khi Thái Tông mất, Thái tử Bang Cơ lên nối ngôi, lấy hiệu là Nhân Tông, Nguyễn Thị Anh trở thành Thái hậu nhiếp chính.

Bản án kết tội Nguyễn Liễu sau khi dâng sớ tâu tội Lương Đăng, Đinh Thắng cũng là người đứng sau. Sau khi các thái giám vào yết kiến vua và khóc lóc, kể lể, nghe vua phán “Ta sẽ giao Liễu sang bên hình quan để hình quan định tội”, Đinh Thắng đã lập tức tới gặp hình quan và gợi ý “Sắp tới nhà vua sẽ ra lệnh cho hình quan định tội của Liễu. Ngài liệu mà xử thế nào cho phải”.

Nguyễn Liễu bị án thích chữ vào mặt và lưu đày đi xa, Nguyễn Trãi đã rất lo lắng và buồn bực. Ông quyết định dâng sớ từ quan về Côn Sơn ở ẩn. Bản sớ dâng lên nhà vua của ông được Đinh Thắng biết. Đinh Thắng chẳng nuối tiếc gì ông nhưng nếu để Nguyễn Trãi về ở ẩn lúc này, cả triều đình sẽ nguyền rủa Thắng nên Thắng quyết định tới gặp Hành khiển khuyên ông không nên về ở ẩn lúc này. Thuyết phục không được, Thắng đành hậm hực ra về.

Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vợ của Hành khiển Nguyễn Trãi là người xinh đẹp, trẻ trung và nổi tiếng văn chương nên rất được vua tín nhiệm, đi đâu ngài cũng cho Thị Lộ theo hầu. Trong một lần vua xa giá về tới vườn vải tại xã Đại Lải, ven sông Thiên Đức, Thị Lộ đã đàm đạo văn chương, uống rượu, ngâm thơ cùng vua tới tận khuya. Sau một canh giờ ngả mình trên long sàn thì nhà vua băng hà trước sự sửng sốt của mọi người.

Khi ấy, Thị Lộ bị nghi nhiều nhất. Lúc đó nàng bối rối, không biết xử trí thế nào. Các quan kéo tới vây xung quanh long sàn và đôi mắt độc ác đắc thắng của Đinh Thắng khiến Thị Lộ giật mình khi nhớ lại. Hắn dựng lên một hiện trường giả để vu cáo cho nàng. Quan Hành xử ép cung buộc Thị Lộ phải khai người đứng phía sau là Nguyễn Trãi. 12 ngày sau khi nhà vua băng hà, Nguyễn Trãi và gia tộc đã rụng đầu dưới lưỡi đao oan nghiệt. Trước khi chết, ông ngửa mặt lên trời than: Trời chẳng phù hộ ta. Giờ ta mới hối là đã không nghe lời Thắng và Phúc.

Chính câu nói đó của Nguyễn Trãi khi tới tai Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, bà đã ban cho Thắng đặc ân: Mang hết những bí mật từ trước tới nay xuống mồ cùng chén thuốc độc Hoàng hậu “ban tặng”. Đinh Thắng hiểu rõ cái phút giây khủng khiếp cuối cùng đã tới.

Lời bàn:

Ngày nay, các nhà khoa học và nhiều sử gia đã chứng minh rằng cái chết bất đắc kỳ tử của vua Lê Thái Tông là do Thái hậu Nguyễn Thị Anh chủ mưu đầu độc. Bởi với việc làm này, Nguyễn Thị Anh đã bắn một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất là dựng lên vụ án “Lệ chi viên” để sát hại cả gia tộc Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ. Thứ hai là con trai của bà ta là Bang Cơ được sớm lên nối ngôi. Và trong chiếu lên ngôi, Lê Nghi Dân một lần nữa đã chứng minh sự tàn ác của Nguyễn Thị Anh: Chẳng may tiên đế đi tuần miền Đông, bỗng băng hà ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết để diệt hết người nói ra.

Theo sử cũ, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người đàn bà xinh đẹp, nhưng đầy mưu mô, xảo trá, thường tìm mọi cách để chiếm được sự ưu ái của vua Lê Thái Tông. Hơn thế nữa, vì địa vị và quyền lực, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã không từ mọi thủ đoạn, sẵn sàng “ra tay” sát hại những thuộc hạ thân tín và thậm chí với cả bậc đế vương. Nhưng quy luật ở đời không phải cứ muốn là được, mà vay thì phải trả và ác nhân thì ác báo. Chính vì thế, không chỉ có Nguyễn Thị Anh mà cả người con duy nhất của bà là vua Lê Nhân Tông đã bị Lê Nghi Dân giết chết. Tiếc rằng cho đến bây giờ, hậu thế vẫn còn có không ít người hiểu được cái đạo lý đơn giản ấy. Bởi thế mới có người chỉ biết quyền lợi của mình để rồi sẵn sàng lấy oán trả ơn, thật đáng buồn thay.

N.D

  • Từ khóa
109681

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu