Thứ 4, 24/04/2024 16:12:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:51, 12/04/2014 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014)

Thứ 7, 12/04/2014 | 15:51:00 2,249 lượt xem

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng này góp phần đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia.

60 năm trôi qua kể từ ngày quân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này vẫn mãi nguyên giá trị. Trong những trang sử vàng của dân tộc luôn chói sáng hình ảnh anh “bộ đội Cụ Hồ” đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ là những “Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt”. Những người lính tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ ngày ấy dù cư trú ở nơi nào trên đất nước Việt Nam đều không quên những tháng ngày oanh liệt chiến đấu, hy sinh để làm nên “thiên sử vàng” của dân tộc.

 Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 103 chiến sĩ Điện Biên. Theo thời gian, đến nay tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng khi được hỏi về những tháng ngày trong quân ngũ, đặc biệt là ở mặt trận Điện Biên Phủ, ai cũng tràn đầy niềm xúc động, kể lại với giọng say sưa.

Đào hầm xuyên núi

Cựu chiến binh Lê Văn Vy (89 tuổi), trú tại xã Thanh An (Hớn Quản), là một trong những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ. 22 tuổi ông Vy rời quê hương Thanh Hóa đi bộ đội và chiến đấu tại mặt trận Ninh Bình. Đến năm 1952, ông được điều động ra Phú Thọ bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Đầu năm 1953, ông được bổ sung vào Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 để tham gia mặt trận Điện Biên Phủ. Tại đây,  ông và đồng đội được giao nhiệm vụ đào hầm mở đường cho pháo ta vào bao vây cứ điểm Hồng Cúm cũng như đào đường hầm tiếp cận các cứ điểm quan trọng của địch.


Ông Vy vừa tỉa cây vừa say sưa kể về những ngày đêm đào hầm xuyên núi

Ông Vy nhớ lại, 4 giờ sáng, mỗi chiến sĩ được phát hai nắm cơm muối để ăn cả ngày và bắt đầu công việc đào hầm. Để đánh được vào cứ điểm của địch chỉ có cách duy nhất là đào hệ thống đường hầm. Lúc đầu mọi người phải đào trong tư thế nằm để tránh quân địch phát hiện. Sau khi đào sâu được khoảng 30-50cm chuyển sang tư thế quỳ. Thông thường các chiến sĩ chia nhau mỗi người đào tuyến hầm dài 3m, sâu 1,7m khi nào thông nhau thì chuyển sang vị trí khác. Đơn vị của tôi được lệnh phải đào hầm đến hàng rào thép gai của địch tại căn cứ điểm Hồng Cúm để bộ đội phá hàng rào xông vào tấn công tiêu diệt cứ điểm này. Đây là nơi quan trọng nên địch rất cảnh giác, thấy nghi vấn là chúng cho pháo bắn như vãi đạn vào mục tiêu. Vì vậy mọi người phải khéo léo đào từng tý một để không bị phát hiện. Nhằm đảm bảo an toàn, quân ta thường đào vào buổi tối, nhưng sáng hôm sau nhiều nơi bị địch ném bom vùi lấp phải đào lại rất vất vả.

Khi cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt, trong lúc đào hầm gần đến cứ điểm của địch thì ông và đồng đội bị một quả pháo bắn trúng. Một người hy sinh, còn ông bị thương nặng phải đưa về tuyến sau điều trị. Đến năm 1956, vì lý do sức khỏe ông được chuyển về công tác tại xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho đến khi nghỉ hưu và chuyển vào Bình Phước sống cùng con cháu.

  T.Thông
 

  • Từ khóa
11033

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu