Thứ 7, 20/04/2024 15:38:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:41, 22/01/2014 GMT+7

Sắm vàng mã tiễn ông Công, ông Táo

Thứ 4, 22/01/2014 | 09:41:00 210 lượt xem

Cứ vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, người dân lại sắm sửa tiền vàng, mũ áo, cá chép… tiễn ông Công, ông Táo về trời với niềm mong ước một năm mới nhiều thuận lợi và may mắn.

Sôi động mua bán

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, đồ hàng mã phục vụ cho dịp này được bày bán với nhiều mẫu mã phong phú. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại các khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng vàng mã của TP Hồ Chí Minh như đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), chợ Thiếc (quận 11), chợ Bình Tây (quận 6)… những ngày này có khá đông khách hàng tới mua tiền vàng, mũ áo giấy để chuẩn bị cho Tết ông Công, ông Táo. Tại đây, tùy từng nhu cầu của khách hàng muốn mua nhiều ít, số lượng bao nhiêu cũng có. 


Người dân mua vàng mã trên phố Hàng Mã, Hà Nội.

Hiện giá một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm quần áo, mũ mã… loại trung bình có giá 7.000 - 10.000 đồng/bộ, những bộ lớn hơn có giá khoảng 15.000- 30.000 đồng. Các loại tiền đô la âm phủ có giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/100 tờ, vàng miếng có giá 3.000 - 5.000 đồng/bộ (5 miếng)…
Những ngày này, trên khắp các tuyến phố của Hà Nội, nhất là các phố Hàng Mã, Hàng Lược…, người dân cũng đang tấp nập mua sắm những món đồ “cõi âm” để phục vụ cho lễ 23 tháng Chạp. Theo chủ gian hàng ở số 25A, Hàng Mã, giá các mặt hàng hầu như ổn định so với năm ngoái. Một bộ quần áo, mũ ông Công, ông Táo dao động từ 40.000 - 150.000 đồng/bộ tùy thuộc vào bộ to hay bộ nhỏ, ngựa nhiều màu cỡ trung bình có giá 50.000 đồng/con, vàng mã có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/tệp…

Không chỉ ở các con phố lớn, thị trường vàng mã cũng nhộn nhịp tại các khu chợ hay những gánh hàng rong. Theo chia sẻ của những người bán vàng mã tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), đồ vàng mã không cần quá cầu kỳ. Khách đã vào hỏi là nhất định sẽ mua.

Cô Nguyễn Thị Trinh (Sóc Sơn, Hà Nội) chuyên làm đồ hàng mã đổ cho các cửa hàng tại các thị trấn Phủ Lý, Sóc Sơn,… cho biết: “Hàng vàng mã không khó bán, vì nhà ai cũng có việc cúng, giỗ, giải hạn. Mặc dù làm mặt hàng này không lãi nhiều nhưng thị trường khá ổn định”.

Hàng bình dân lên ngôi

Theo đánh giá của các tiểu thương, nhìn chung, giá các mặt hàng này không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10% so với năm ngoái, đặc biệt đồ đắt tiền rất ít khách hỏi mua. Chị Phạm Thùy Tâm, chủ cửa hàng bán vàng mã tại chợ Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết: “Chỉ cần tăng giá một chút là khách hàng kêu ca, phàn nàn ngay. Năm nay, người dân thắt chặt chi tiêu nên khoản tiền dành cho việc mua sắm lễ cũng eo hẹp hơn. Khách chỉ chọn những đồ cơ bản, cần thiết; còn loại hàng cao cấp như: iphone, SH… bán rất chậm”.

Tại TP Hồ Chí Minh, giá các loại giấy tiền vàng bạc, đồ cúng ông Táo; trái cây, bánh kẹo, hoa tươi phục vụ cho ngày cúng ông Công, ông Táo tăng nhẹ từ 5 - 10%. Theo tiểu thương, đúng ngày 23 tháng Chạp, giá các mặt hàng trên có thể tăng thêm 20-30%. Hiện, hoa cúc có giá 10.000 - 12.000 đồng/bó, mãng cầu 55.000 đồng/kg, quýt đường có giá 25.000 - 35.000 đồng/kg, kẹo thèo lèo (kẹo lạc) khoảng từ 10.000 - 25.000 đồng/bịch... Đặc biệt, cá chép nhỏ loại cá kiểng 3 đuôi đủ màu cũng được bày bán khá nhiều tại các chợ lẻ. Năm nay, giá các loại cá chép dao động từ 10.000- 50.000 đồng/con tùy kích cỡ…

Một tiểu thương tại chợ Bình Tây cho biết, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, vì vậy những mặt hàng bình dân như mũ mão, quần áo, cá chép, kẹo thèo lèo... phục vụ cho ông Công, ông Táo về chầu trời bán khá chạy, còn những loại hàng mã xa xỉ khác rất ít người hỏi mua.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
48039

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu