Thứ 6, 29/03/2024 04:25:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:04, 05/01/2015 GMT+7

5 giải pháp cơ bản xây dựng và phát triển thị xã Đồng Xoài

Thứ 2, 05/01/2015 | 07:04:00 276 lượt xem
BP - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đồng Xoài và mừng thị xã được công nhận là đô thị loại III, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Chủ tịch UBND thị xã Vương Đức Lâm đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Phước.

Ông Vương Đức Lâm, Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài cùng cán bộ  trồng cây nhân ngày Môi trường thế giới - ảnh: S.Đ

P.V: Thưa ông, đầu năm 2000 có người nói vui “ngủ một giấc tỉnh dậy, dân Đồng Xoài “hóa” thành thị dân”. Ông nghĩ gì về câu nói này?

Ông Vương Đức Lâm: Một câu nói vui nhưng đầy hàm ý, bởi Đồng Xoài khi trở thành thị xã chỉ mới là một thị trấn nhỏ của huyện Đồng Phú, với vô vàn khó khăn. Thị xã Đồng Xoài chính thức đi vào hoạt động từ 1-1-2000 trên cơ sở 1 thị trấn và 2 xã của huyện Đồng Phú, với diện tích 16.770 ha, số dân hơn 50.000 người.

Là thị xã trung tâm tỉnh lỵ nhưng xuất phát điểm thấp, hạ tầng cơ sở, thương mại - dịch vụ hầu như chưa có. Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) của các cơ quan, đơn vị theo biên chế còn thiếu trầm trọng. Năng lực, trình độ chuyên môn của CBCC còn nhiều hạn chế, mặt bằng dân trí thấp, dân di cư tự do từ các tỉnh đến Đồng Xoài nhiều đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý về an ninh trật tự. Năm 2000, đa phần dân cư Đồng Xoài sống bằng sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí còn có hàng trăm hộ thuộc diện đói. Những năm mới thành lập thị xã, thu ngân sách chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng, chỉ đáp ứng nhu cầu chi trả lương, kinh phí hoạt động thường xuyên, đầu tư phát triển phụ thuộc vào ngân sách tỉnh.

PV: Để vượt qua những khó khăn ấy, trong 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Xoài đã làm được những gì?

Ông Vương Đức Lâm: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã khóa 1, 2, 3 đã có nhiều giải pháp quyết liệt về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo đà tăng trưởng hàng năm và từng nhiệm kỳ. 

Có thể gói gọn trong 5 giải pháp cơ bản: Một là, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của trung ương cũng như của tỉnh trong công tác thu hút và kêu gọi đầu tư quy hoạch và phát triển theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện cơ cấu kinh tế của thị xã có tỷ trọng thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng 91,6%; nông nghiệp chỉ còn 8,4%. Chúng tôi đã hoàn thành quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển đô thị - giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Hai là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng các kỹ thuật của công nghệ thông tin vào hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả công tác theo hướng chuyên nghiệp - khoa học - hiện đại.

Ba là, tạo nguồn thu để chi đầu tư phát triển. Đến nay, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 220 tỷ đồng, là đơn vị dẫn đầu tỉnh về thu ngân sách. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 14 lần so với năm 2000.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thị xã với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

Năm là, kiện toàn củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, trình độ chính trị cho đội ngũ CBCC từ thị xã đến các phường, xã thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhiều hình thức. Đặc biệt những năm gần đây, thị xã đã làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, nhằm giúp đội ngũ CBCC có điều kiện cọ xát với thực tiễn tại cơ sở.PV: Xin cảm ơn ông!

                           T.B - K.P (thực hiện)

 

  • Từ khóa
41280

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu