Thứ 6, 29/03/2024 04:05:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:28, 19/08/2013 GMT+7

Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2013)

Thứ 2, 19/08/2013 | 08:28:00 1,970 lượt xem

LỘC NINH - NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG

Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lộc Ninh tự hào là nơi đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một giành chính quyền về tay nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng và là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Mảnh đất, con người Lộc Ninh luôn anh dũng trong đấu tranh, cần cù trong lao động, xây dựng biên giới hòa bình - hữu nghị, cùng phát triển.


DẤU ẤN LỊCH SỬ CỦA MÙA THU THÁNG TÁM 

Những ngày tháng 5 lịch sử năm 2012, đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước và phu nhân đã đến thăm xưởng mủ tờ, Công ty tnhh mtv Cao su Lộc Ninh. Tuổi cao, sức yếu nên không thể tự đi lại. Nhưng khi nhìn những kiện hàng sắp xuất xưởng để xuất khẩu, mắt ông bỗng rưng rưng. Với Lộc Ninh, tuổi thanh xuân của đại tướng Lê Đức Anh là người anh cả dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông cũng là một trong những nhà lãnh đạo cuối cùng còn sống của Bộ Chỉ huy Miền, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Lộc Ninh tự hào là “vương quốc” hồ tiêu của cả nước

Lịch sử ghi lại, tháng 8-1943, đại tướng Lê Đức Anh trong vai thầy Xu chuyên lo phân phối thực phẩm cho công nhân tại Làng Hai (nay là ấp 2, xã Lộc Thuận) để thành lập chi bộ đảng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 2-1944, Chi bộ Đảng được thành lập ở Lộc Ninh có 3 đồng chí, đại tướng Lê Đức Anh là bí thư. Tháng 3-1945, Chi bộ Đảng ở Lộc Ninh đã tổ chức nhân dân, công nhân cao su ở tất cả các làng Lộc Ninh, Đa Kia, Bù Đốp chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Sáng ngày 24-8, hàng ngàn công nhân các làng cao su Lộc Ninh - Đa Kia cùng quần chúng nhân dân là người Kinh, dân tộc thiểu số, trong đó nòng cốt là lực lượng thanh niên đã nhất tề nổi dậy. Từng đoàn người cầm tầm vông nhọn, xà beng, giáo mác, cung tên tiến vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su với khẩu hiệu “Độc lập hay là chết”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. Quần chúng nhân dân biểu tình chiếm các trụ sở hành chính, Sở cảnh sát trong thị trấn. Đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy trực tiếp đội cảm tử đánh chiếm mục tiêu gay cấn nhất, bắt quan tư Nhật phải quỳ gối đầu hàng. Quân khởi nghĩa tiêu diệt 18 tên phát xít Nhật, trong đó có 2 sĩ quan, thu 40 khẩu súng và nhiều quân dụng. Quân địch phần lớn đầu hàng, số ít còn lại bị vô hiệu hóa.

Ngày 25-8, đoàn Lộc Ninh gồm 5 vạn người hòa trong biển người của cả tỉnh Thủ Dầu Một tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Sáng ngày 2-9-1945, đoàn đại biểu nhân dân và công nhân cao su Lộc Ninh do đồng chí Lê Đức Anh dẫn đầu về Sài Gòn dự lễ Quốc khánh đầu tiên, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Cách mạng tháng Tám ở Lộc Ninh đã thực hiện đúng lời dạy của Bác: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta, không thụ động bó tay ngồi chờ và không ỷ lại vào chi viện bên ngoài”.


LỘC NINH HÔM NAY

Xác định nông nghiệp là kinh tế trọng điểm, từ năm 1985 (thời kỳ đổi mới kinh tế), nông dân Lộc Ninh không ngừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lộc Ninh hôm nay đã là vùng trọng điểm của cao su miền Đông Nam bộ và tự hào là “vương quốc” hồ tiêu của cả nước.

Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ IX (2010-2015), tăng trưởng kinh tế bình quân của Lộc Ninh đạt 14,03% (nghị quyết đề ra là 13,5%). Thu nhập bình quân đầu người đến tháng 6-2013 đạt 28,2 triệu đồng/người. Ngành nông nghiệp duy trì phát triển hàng năm và giữ mức tăng trưởng ổn định. Đến cuối tháng 6-2013, tổng diện tích cao su hộ gia đình là hơn 31 ngàn ha, tăng 37,55% so với năm 2010. Diện tích hồ tiêu gần 3.600 ha, năng suất bình quân 4 tấn/ha. Xã Lộc An có tỷ lệ đồng bào Xêtiêng cao nhất huyện và cũng là xã giàu nhất huyện nhờ có diện tích hồ tiêu với hơn 900 ha. Hệ thống giao thông được đầu tư từ nhiều chương trình, riêng Công ty cao su Lộc Ninh đầu tư hơn 120km đường nhựa cấp phối. Ở 16 xã, thị trấn đã có đường nhựa đến trung tâm. Toàn huyện có 21.233 máy điện thoại thuê bao, đạt tỷ lệ 18,3 máy/100 dân. Mạng internet phát triển mạnh, với 2.700 thuê bao, tăng 1.636 thuê bao so với năm 2010. Nông dân Lộc Ninh của thời kỳ kinh tế mở đã hàng ngày truy cập internet để theo dõi giá cả nông sản, điều tiết thị trường hồ tiêu, tránh bị ép giá.

Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân nâng cao, tỷ lệ hộ có nhà kiên cố đạt 73,89%. Lộc Ninh là huyện điểm về xóa đói giảm nghèo, bình quân mỗi năm giảm 450 hộ nghèo. Toàn huyện hiện còn 2.054 hộ nghèo, chiếm 7,14%/tổng số hộ. Là huyện biên giới, Đảng bộ, chính quyền Lộc Ninh luôn chú trọng công tác đối ngoại với các huyện giáp biên thuộc nước bạn Campuchia, trên cơ sở xây dựng biên giới hòa bình - hữu nghị, cùng phát triển.

68 năm sau Cách mạng tháng Tám, mảnh đất, con người nơi biên giới Lộc Ninh luôn xứng đáng là địa phương đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một giành lại chính quyền, huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, là thủ phủ của cách mạng.

Phương Hà

  • Từ khóa
8763

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu