Thứ 6, 19/04/2024 07:49:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:09, 08/09/2016 GMT+7

4 cam kết và 8 kiến nghị để phát triển ngành điều Bình Phước

Thứ 5, 08/09/2016 | 13:09:00 340 lượt xem
BP - Ngày 7-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh chủ trì cuộc họp cùng Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) bàn các giải pháp phát triển ngành điều Bình Phước bền vững. Dự buổi làm việc có Chủ tịch Hội điều Bình Phước Nguyễn Thị Kim Nga; nguyên Chủ tịch Hội điều Bình Phước Nguyễn Văn Thỏa và các chuyên gia hàng đầu ngành điều của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Vinacas đã đề xuất 8 giải pháp và cam kết 4 đồng hành với Bình Phước phát triển ngành điều bền vững, trong đó trọng tâm là vấn đề giống và phát triển chế biến sâu, xây dựng, quảng bá thương hiệu thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước trên thị trường trong và ngoài nước.

YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH HIỆU QUẢ KINH TẾ CÂY ĐIỀU

Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh khẳng định: Quản lý tốt chất lượng cây giống là điều kiện để xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm điều Bình Phước vốn đã nổi tiếng thơm ngon, hạt chắc, bóng đẹp; người tiêu dùng trong và ngoài nước khi nói đến hạt điều là nghĩ đến Bình Phước.

Giống cũng là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất trong các hội nghị, hội thảo về phát triển ngành điều Việt Nam nói chung và điều Bình Phước nói riêng. Năm 2016, Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 5 giống điều đầu dòng, gồm: BP18 ở xã Thuận Lợi, BP27 ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú; BP43 ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng; BP68 ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và BP89 ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành.

Phân loại hạt điều tại Công ty TNHH Hoàng Đạt, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: H.ChâuPhân loại hạt điều tại Công ty TNHH Hoàng Đạt, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: H.Châu

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đẩu - người đã có hơn 30 năm gắn bó với cây điều, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về ngành điều, cho rằng: Điều Bình Phước là “số 1”, bởi trong quá trình khảo nghiệm 115 cây điều trên địa bàn Bình Phước, có 78 cây nổi trội, chiếm 80%, rất ưu việt về chất lượng hạt. Qua đó, khẳng định là gen giống điều Bình Phước chất lượng tốt hơn giống điều Thái Lan hay Philippines ngoại nhập mà một số cơ sở sản xuất đang quảng cáo.

Ông Đẩu đề xuất: Để giải quyết bài toán giống, nên theo chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại hội thảo ngành điều tổ chức năm 2014 ở Bình Phước. Đó là khuyến cáo nông dân lựa chọn cây điều nổi trội tại chỗ: Hạt chùm to, chắc để nhân giống theo phương thức ghép chồi cải tạo vườn điều đã cho kinh doanh và lấy chồi ghép sản xuất giống vô tính.

Để giải quyết vấn đề giống, Vinacas đề xuất Bình Phước sớm công nhận các giống điều ưu tú trên địa bàn tỉnh làm cơ sở nhân rộng cho nông dân. Theo đó, các hội viên Vinacas (doanh nghiệp) có thể thành lập trung tâm sản xuất giống nhưng không mang tính thương mại mà chủ yếu là hỗ trợ nông dân với mục tiêu là đưa năng suất, chất lượng vườn điều tăng cao. Đồng thời, tăng cường quản lý giống, chỉ lưu hành giống có nguồn gốc rõ ràng đã được nhà nước công nhận.

Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội điều Bình Phước Nguyễn Văn Thỏa lưu ý là phải xóa bỏ lợi ích nhóm trong sản xuất - kinh doanh giống điều, mà vì lợi ích chung phát huy tiềm năng, tiếng thơm của hạt điều Bình Phước và vì lợi ích của nông dân.

Hiện nay, năng suất điều Bình Phước cao nhất thế giới, bình quân 1,5 tấn/ha. Nếu giải được bài toán về giống, với năng suất 2,5 tấn/ha và diện tích 200 ngàn ha điều, thì Bình Phước sẽ đáp ứng 500 ngàn tấn nguyên liệu, bằng sản lượng cả nước hiện nay. Như vậy, sẽ giảm phụ thuộc nhập điều thô nước ngoài và là cơ sở để xây dựng và giữ được thương hiệu điều Bình Phước.

ĐỂ NÂNG CAO GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU HẠT ĐIỀU BÌNH PHƯỚC

Hiện nay, Bình Phước có 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở chế biến điều nhân. Công nghiệp chế biến nhân điều phát triển tương xứng với vùng nguyên liệu về số lượng doanh nghiệp nhưng kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ so với chế biến điều Việt Nam.

Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho rằng, để tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu tại chỗ chất lượng hàng đầu thế giới và khi đã xây dựng thành công thương hiệu, Bình Phước nâng cao giá trị sản phẩm bằng tập trung chế biến sâu, sản xuất mặt hàng cao cấp, giá bán cao.

Kỹ sư Ngô Khắc Khánh (trái), Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh hướng dẫn bà Phạm Thị Vân ở ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) phương pháp ghép chồi - Ảnh: H. ChâuKỹ sư Ngô Khắc Khánh (trái), Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh hướng dẫn bà Phạm Thị Vân ở ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) phương pháp ghép chồi - Ảnh: H. Châu

Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: Hiện nay, 10 năm liền Việt Nam xếp vị trí số 1 công nghiệp chế biến và xuất khẩu nhân điều, với khoảng 350 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chia thành 3 loại: giá cao với doanh nghiệp bảo đảm chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm (chủ yếu doanh nghiệp điều G20), giá trung bình và rất nhiều doanh nghiệp bán giá thấp (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Xu thế thị trường là lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng dù giá cao.

Để phát triển chế biến sâu, Vinacas đề xuất Bình Phước phát triển theo truyền thống, không nên quy hoạch cơ sở, doanh nghiệp chế biến điều vào các khu công nghiệp. Chia 3 khu vực, gồm khu vực 1 tập trung gia đình, làng nghề tập kết, thu mua nguyên liệu; khu vực 2 bóc vỏ lụa; khu vực 3 - khu quan trọng nhất, là doanh nghiệp lớn sản xuất  theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyên liệu điều thô là cơ sở xây dựng thương hiệu điều Bình Phước. Theo đó, tỉnh khuyến cáo quản lý chặt chẽ để các doanh nghiệp, người tiêu dùng phân biệt rạch ròi 2 dòng sản phẩm (nhập khẩu và nội địa). Đây là cơ sở để bảo vệ thương hiệu điều Việt Nam nói chung, điều Bình Phước nói riêng. Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho rằng khi đã xây dựng được thương hiệu thì quảng bá, marketing là vấn đề sống còn của sản phẩm. Vinacas sẽ hỗ trợ Bình Phước trong chiến lược quảng bá thương hiệu hạt điều.

Ngoài ra, Vinacas đề xuất kiến nghị Bình Phước khuyến khích nông dân liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng điều năng suất cao; xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân trồng điều; kiến nghị Chính phủ thu 2 USD/tấn nhân điều xuất khẩu; hằng năm tuyên dương nông dân, doanh nghiệp ngành điều...Vinacas cam kết đồng hành với nông dân, doanh nghiệp chuyển giao quy trình sản xuất, chế biến điều sạch, điều hữu cơ...

Phó chủ tịch Huỳnh Anh Minh cho rằng đề xuất góp ý của Vinacas giúp Bình Phước trong xây dựng đề án chiến lược phát triển điều bền vững đến năm 2020. Đề nghị Vinacas hỗ trợ Bình Phước nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề quảng bá, xúc tiến thương mại bằng cách tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tầm quốc tế tại Bình Phước.

Phó chủ tịch Huỳnh Anh Minh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tốt hơn về giống; Sở Công thương tăng cường quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm doanh nghiệp chế biến điều... 

Phương Hà

  • Từ khóa
93071

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu