Thứ 7, 20/04/2024 01:59:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:51, 23/05/2015 GMT+7

3 tháng làm vua

Thứ 7, 23/05/2015 | 09:51:00 170 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Mạc Kính Chỉ là vua nhà Mạc thời hậu kỳ. Khi đó, Bắc triều đã chấm dứt với cái chết của cha con Mạc Mậu Hợp và Mạc Toàn. Nguyên quán của Mạc Kính Chỉ là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Mạc Kính Chỉ là con cả của Khiêm vương Mạc Kính Điển, là quan phụ chính trụ cột của nhà Mạc trong suốt hơn 30 năm. Trước đó, Mạc Kính Chỉ được phong tước là Đoan Hùng Vương, nhưng về sau vì có tội nên bị giáng làm thứ dân. Đến khi triều đình nhà Mạc suy yếu thì Mạc Kính Chỉ lại được ban tước Hùng Lễ Công nhưng không có thực quyền.

Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1592) khi nghe tin vua Mạc Mậu Hợp bị quân nhà Lê bắt và giết chết, Mạc Kính Chỉ đã thu thập tàn quân chiếm cứ vùng Thanh Lâm và tự xưng đế ở đất Nam Giản (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và lấy niên hiệu là Bảo Định thứ nhất. Mạc Kính Chỉ xưng vua được tôn thất nhà Mạc hưởng ứng, lập bản doanh triệu tập quần tụ được các đại thần văn võ còn xu hướng với nhà Mạc tôn phú, quân binh lên tới hàng vạn. Mạc Kính Chỉ sắp đặt các đại thần theo một triều đình có đầy đủ văn võ, cắt đặt các quan chức trong ngoài.

Thấy nhà Mạc chưa hết người đứng lên khôi phục cơ nghiệp và còn được các văn thần, võ tướng vùng Bắc Hà tôn phù, phụ chính Nam triều là Trịnh Tùng lập tức tiến binh đánh Mạc Kính Chỉ. Tháng chạp năm 1592, tùng sai các Thái Quận công là: Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên, Nguyễn Nga dùng thủy binh tiến đánh. Nhưng quân của Trịnh Tùng vừa tới nơi đã bị Kính Chỉ phục binh đánh cho quan quân Lê - Trịnh trở tay không kịp. Nguyễn Thất Lý bị chém chết tại trận, Nguyễn Nga trúng thương may mà ngã trên thuyền nên được cứu thoát, quân của Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên bị đánh tan tác. Ngay trận đầu thắng lớn Kính Chỉ sai Đông các học sĩ Đỗ Trực làm tờ hịch bố cáo toàn bộ trấn Kinh Bắc, Hải Dương theo về với Kính Chỉ.

Ngày 17-12-1592, Trịnh Tùng lại sai Thái úy Hoàng Đình Ái, Thái bảo Trịnh Đô đốc binh và voi, ngựa chiến tới đánh quân của Mạc Kính Chỉ. Đình Ái cho lập đồn binh dọc tuyến sông. Trịnh Tùng lại sai Thái úy Nguyễn Hữu Liêu đưa thủy binh lên hỗ trợ Đình Ái. Kính Chỉ cũng dàn quân dọc tuyến sông cự lại. Một dải trường giang chia ra nam - bắc, quân nối quân liên tiếp chiến đấu kéo dài hàng tháng trời nhưng vẫn không phân thắng thua.

Ngày 9 tháng giêng năm Quý Mùi (1593), Trịnh Tùng đích thân đốc đại quân vượt sông Nhị Hà và đến ngày 12 thì tiến đến Cẩm Giàng.Sau khi hội quân với các tướng xong, Trịnh Tùng lại đích thân làm tướng trung quân, sai Đình Ái lẻn đánh úp Kính Chỉ. Trịnh Tùng dùng thủy quân chặn vùng thượng lưu tạo thế bao vây tứ phía. Trước sức địch mạnh, Mạc Kính Chỉ phải chiến đấu quyết liệt và lui lên núi Chí Linh. Trịnh Tùng tiếp tục truy kích, cuối cùng tới ngày 14 tháng giêng thì bắt được Kính Chỉ ở thôn Tân Manh, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và nhiều tôn thất nhà Mạc. Lúc đó, vua Mạc vừa mới đổi niên hiệu là Khang Hựu được ít ngày.

Lời bàn:

Theo sử cũ, vào thời nhà hậu Lê, triều đình suy thoái, chính sự rối ren, quan quân đánh giết lẫn nhau. Còn các ông vua quỷ như Uy Mục đế, vua lợn Tương Dực và Chiêu Tông đều không đủ năng lực cầm quyền, lại còn tham lam và tàn ác. Chính vì thế, các quyền thần họ Trịnh và họ Nguyễn đều chứa chấp mưu đồ riêng, nông dân nổi dậy khởi nghĩa. Giữa lúc đó, muốn giải quyết khủng hoảng xã hội thì phải giành cho được toàn quyền hành động. Đúng lúc đó, Mạc Đăng Dung xuất hiện và chỉ chưa đầy 10 năm ông đã dẹp yên tình hình nước Đại Việt. Việc nhà Mạc thay thế nhà hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét là tất yếu của lịch sử. Bởi nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ thế tộc khác cũng làm điều tương tự trong bối cảnh lúc đó. Vì vậy, sự thay thế nhà Lê của Mạc Đăng Dung là “hợp với đời và đạo”.

Tuy nhiên, vào thời ấy thì quan điểm trên đây không dễ được các sử gia đương thời chấp thuận. Vì thế, họ vẫn cho rằng việc thay ngôi của nhà Mạc là nghịch và đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của triều đình nhà Mạc sau 66 năm tại vị. Dù vậy, hậu thế cũng phải thừa nhận rằng, nhà Mạc tuy không thu phục được lòng người khi ấy, nhưng đây là triều đại rất chú trọng tới nhân tài qua đường thi cử. Tuy chiến tranh liên miên, nhưng nhà Mạc cũng đã đào tạo và xây dựng hệ thống quan lại thông qua 22 kỳ khoa cử với chu kỳ ba năm một lần. Năm 1535, nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Khắc Đốc, Nguyễn Thừa Hưu đỗ tiến sĩ cập đệ; 6 người khác đỗ tiến sĩ xuất thân; 21 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Và trong 66 năm tồn tại, nhà Mạc mở 21 kỳ thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sĩ và 13 trong số 46 trạng nguyên của lịch sử hơn 800 năm thi cử Nho học thời phong kiến Việt Nam. Và chỉ riêng với điều này cũng đã là quá đủ để lịch sử ghi công một triều đại.

N.V

  • Từ khóa
109664

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu