Thứ 6, 29/03/2024 22:03:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:41, 06/05/2016 GMT+7

3 học sinh vượt khó học giỏi ở Trường tiểu học Thác Mơ

Thứ 6, 06/05/2016 | 07:41:00 838 lượt xem
BP - Cuộc sống quanh ta vẫn còn những số phận không may mắn, trong đó có nhiều em đang tuổi học trò. Mỗi em một hoàn cảnh, như mồ côi cha mẹ, mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình éo le… nhưng các em không chịu khuất phục trước khó khăn mà từng ngày nỗ lực vươn lên.

3 học sinh vượt khó (từ trái qua phải) Vũ Nguyễn Dung Hạnh, Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Thị Thanh Trà3 học sinh vượt khó (từ trái qua phải) Vũ Nguyễn Dung Hạnh, Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Thị Thanh Trà

Muốn nhìn thấy mẹ  mỗi ngày

Lần đầu gặp Nguyễn Thị Thanh Trà, học sinh lớp 5A2, chúng tôi rất ấn tượng về một cô bé có nước da bánh mật và kiệm lời. Sinh năm 2005 trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại phường Thác Mơ, TX. Phước Long, Trà được mọi người yêu quý vì đức tính ngoan hiền. Năm 2015, ba của Trà - ông Nguyễn Văn Đảng mất vì bệnh ung thư. Sau đám tang của ba, mẹ Trà - bà Nguyễn Thị Hồng Nhạn (45 tuổi) có dấu hiệu suy giảm sức khỏe và được chẩn đoán bị viêm xoang mãn tính và hư thận. “Hồi đó, cha em bị viêm xoang trước khi mắc ung thư, bây giờ mẹ em cũng mắc căn bệnh đó, lại bị hư thận nên em lo lắm” - Trà chia sẻ. Từ đầu năm nay, bà Nhạn phải chuyển hẳn về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) điều trị nên mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình đổ dồn lên vai 2 người anh trai của Trà là Nguyễn Xuân Bình và Nguyễn Quý Sang.

Do các anh đi làm thuê, lại gánh thêm khoản tiền chữa trị cho mẹ nên đời sống của gia đình rất khó khăn. “Đã nhiều lần em đóng học phí trễ do không đủ tiền nhưng chưa bao giờ em có suy nghĩ bỏ học vì đã hứa với ba sẽ học thật giỏi” - Trà nói. Từ ngày mẹ chuyển về thành phố điều trị, Trà phải tự mình lo mọi sinh hoạt từ ăn uống đến học tập. Mỗi khi đạt thành tích cao trong học tập, khác với các bạn cùng trang lứa muốn được ba mẹ mua đồ chơi hay quần áo mới thì Trà chỉ mong được nhìn thấy mẹ mỗi ngày, được mẹ chải tóc, ôm thật chặt vào lòng và động viên, an ủi.

Nghị lực của cậu bé thiếu vắng cha mẹ

Là học sinh xuất sắc nhiều năm liền, lại yêu thích môn âm nhạc và nuôi ước mơ trở thành ca sĩ, đem tiếng hát làm đẹp cho đời nhưng ít ai nghĩ, Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 4A6, lại có tuổi thơ đầy cơ cực. Sinh năm 2006 ở khu 4, phường Long Thủy (Phước Long), lên 6 tuổi, Kiên đã phải sống cuộc đời của đứa trẻ thiếu thốn tình cảm khi cha mẹ ly hôn. Khi cha chuyển về Bình Dương làm kinh tế thì mẹ đi bước nữa, để Kiên lại cho bà nội Lê Thị Trọng (56 tuổi) chăm sóc.

“Sau khi ly hôn, cha mẹ không đến thăm em lần nào, cũng không gửi tiền trợ cấp cho em, mọi gánh nặng đều đổ lên vai bà nội” - Kiên cho biết. Để có tiền lo cuộc sống của 2 bà cháu, hằng ngày bà Trọng phải dậy từ 4 giờ sáng đi phụ bán cơm ở chợ Thác Mơ đến gần trưa mới về nên mọi sinh hoạt Kiên phải tự lo vì thế có những ngày em phải nhịn ăn đến trường.

Thầy cô và các bạn trong lớp luôn động viên, giúp đỡ để Kiên không mặc cảm mà phấn đấu vươn lên trong học tập. Kiên luôn tự nhủ: Mình có thể đến trường học tập là nhờ bà nội. Dù có khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực học tập, rèn luyện để bà vui.

7 tuổi đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ/ngày đến trường

Đó là câu chuyện của em Vũ Nguyễn Dung Hạnh ở lớp 2A2. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba em (anh Nguyễn Thanh Lâm) phải để con ở nhà về TP. Hồ Chí Minh mưu sinh. Hiện Hạnh ở nhà cùng mẹ và bà ngoại tại phường Sơn Giang (Phước Long).

Gần 1 năm nay, ngày nào Hạnh cũng dậy từ 5 giờ sáng đi bộ đến trường cho kịp giờ vào lớp. Vì khoảng cách từ nhà tới trường hơn 5km nên mỗi ngày Hạnh phải đi hơn 1 tiếng đồng hồ. Ngày nắng, đường tới trường bụi bặm, lắm ổ gà khiến Hạnh nhiều lần bị té. Còn ngày mưa, con đường trơn trợt khiến những bước chân em thêm phần khó khăn, chậm chạp. Nhưng gần 2 năm học qua, Hạnh chưa khi nào đi học muộn.

“Giờ em đi bộ quen rồi. Để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, em sẽ cố gắng học thật tốt. Trước mắt, em sẽ tập đi xe đạp để rút ngắn thời gian đến trường” - Hạnh thật thà nói.

Thế Tường

  • Từ khóa
54859

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu