Thứ 5, 28/03/2024 20:11:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:07, 27/11/2012 GMT+7

Với Nghị định 99/2012/NĐ-CP: Trách nhiệm của chủ sở hữu DNNN được phân định rõ ràng

Thứ 3, 27/11/2012 | 10:07:00 363 lượt xem

Ngày 15-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đây được xem là một bảng phân công nhiệm vụ, trách nhiệm mới vừa cụ thể lại vừa rõ ràng của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Và những quy định này sẽ giải quyết được những lấn cấn về trách nhiệm trong cơ chế quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Theo quy định trong nghị định này, Chính phủ sẽ thực hiện 8 quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, trong đó có quyền quy định điều lệ của từng tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo quy định của Nghị định 132/2005/NĐ-CP về nội dung này, đây là quyền hạn của Thủ tướng chính phủ. Đồng thời, ngoài các quyền, trách nhiệm hiện hành như quy định tại Nghị định 132/2005/NĐ-CP, Thủ tướng chính phủ được phân công thêm nhiệm vụ mới là phê duyệt đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước.

Nghị định mới cũng quy định một số quyền của hội đồng thành viên của tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đã được chuyển lên cấp trên là các bộ quản lý chuyên ngành. Cụ thể là quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh tổng giám đốc, phê duyệt danh mục các dự án đầu tư thuộc nhóm A, B hàng năm… Bên cạnh đó, quyền thẩm định, trình Thủ tướng chính phủ chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã được phân giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay vì hiện nay đang là công việc của hội đồng thành viên. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thẩm định và chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty TNHH một thành viên khác…

So với những quy định hiện hành trong Nghị định số 132/2005/NĐ-CP, quyền quyết định hầu hết nội dung quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển lên cấp chủ sở hữu cao hơn. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là trách nhiệm giám sát phần công việc này từ các cấp được phân công nhiệm vụ là chủ sở hữu nhà nước. Đặc biệt, các bộ chuyên ngành có trách nhiệm lớn và trực tiếp trong giám sát doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, trách nhiệm đầu tiên là hội đồng thành viên, kế đó là bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh.

Cụ thể là đối với tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa, Bộ quản lý ngành phải thực hiện các quyền, trách nhiệm sau đây: Chỉ định, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định lương, thưởng, phụ cấp và các lợi ích khác của Người đại diện. Đánh giá đối với Người đại diện;… Yêu cầu Người đại diện báo cáo để thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra theo quy định việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa (khoản 1, Điều 23).

Về quyền và trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với doanh nghiệp trực thuộc đã chuyển đổi, cổ phần hóa được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 23 như sau: Quyết định việc nắm giữ, tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; chỉ định, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định lương, thưởng, phụ cấp và các lợi ích khác của Người đại diện. Đánh giá đối với Người đại diện;…Yêu cầu Người đại diện báo cáo để thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra theo quy định việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Như vậy, với những quy định trên đây, kể từ sau ngày 30-12-2012 (thời điểm Nghị định 99/2012/NĐ-CP có hiệu lực), không một đơn vị nào có tên trong danh sách là chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp trực thuộc quản lý của mình được quyền trả lời “không biết” về các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là với các hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và cũng từ đây sẽ chấm dứt tình trạng nhập nhèm, lẫn lộn trong cả nhận thức và hành động của cả doanh nghiệp nhà nước cũng như các cơ quan quản lý về quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, để những quy định trên đây thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần có những quy định cụ thể về chế độ quản lý, tiêu chí giám sát từng phần nhiệm vụ cũng như cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.

TH

  • Từ khóa
44323

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu