Thứ 3, 23/04/2024 12:30:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:12, 01/01/2017 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1-1-1997 - 1-1-2017)

20 năm báo chí Bình Phước

Chủ nhật, 01/01/2017 | 10:12:00 1,254 lượt xem

BP - Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước (1-1-1997 - 1-1-2017), đội ngũ những người làm báo cùng ôn lại một chặng đường gian nan đã qua. Số Báo Bình Phước ra ngày 1-1-1997 hiện vẫn còn nằm trang trọng trong cuốn báo lưu năm 1997 của thư viện Báo Bình Phước. Và có lẽ, chương trình truyền hình, phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Phước vẫn mãi được lưu giữ trong kho tư liệu của đài. Đó cũng là những sản phẩm đầu tay của hai cơ quan báo tỉnh Bình Phước đã thực hiện ngay trong ngày đầu tái lập tỉnh, là mốc son đặc biệt của Báo Bình Phước và Đài PT-TH Bình Phước.

Nhớ lại những ngày cách đây 20 năm của các cơ quan báo chí, hình dung lại cuộc sống và tinh thần làm việc lúc bấy giờ, ai cũng thấy tự hào vì khó khăn, gian khổ đã không làm nhụt ý chí của những người theo nghề báo. Cũng như các cơ quan, sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan báo chí Bình Phước năm 1997 cũng phải "nếm mật, nằm gai". Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên thiếu trầm trọng, mỗi người phải làm hai, ba công việc, vừa viết bài vừa là biên tập viên, vừa quay phim vừa viết lời bình. Trong khi đó, một số người thấy gian khổ, tư tưởng làm việc tại Bình Phước chưa thông xin chuyển đi nơi khác nên khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng ủy Khối cơ quan dân chính đảng và Sở Thông tin - Truyền thông trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Bình Phước - Ảnh: Sỹ Hòa

Với Đài PT-TH những năm đầu tỉnh tái lập, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp rất nhiều gian nan, vất vả. Trụ sở làm việc phải thuê, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn chắp vá, điều kiện ăn, ở và làm việc tạm bợ. Nơi làm việc của các phòng, ban chức năng phải thuê từ nhà dân và không tập trung một chỗ mà ở nhiều điểm khác nhau. Khoảng cách từ bộ phận này đến bộ phận khác 2-3km. Một sản phẩm chương trình trước khi lên sóng mất nhiều thời gian do khoảng cách về địa điểm các phòng, ban. Tin tức sản xuất tại Đồng Xoài được in vào băng VHS và đóng gói gửi xe đò hoặc nhân viên chạy xe máy chuyển đến nơi phát sóng tại huyện Phước Long. Từ chân núi Bà Rá, kỹ thuật viên phải đi bộ leo lên đỉnh với độ cao 733m để phát sóng... Khó khăn, gian nan và thậm chí là hiểm nguy nhưng cán bộ, phóng viên, biên tập viên của đài không sờn lòng, quyết tâm vượt qua, đưa đơn vị dần đi vào ổn định. Qua từng năm, trang thiết bị kỹ thuật của đài đã được đầu tư mới, hiện đại hơn. Đó là, hệ thống dàn dựng phát thanh, truyền hình phi tuyến nối mạng; máy phát điện dự phòng 550kVA, cải tạo máy phát hình 10kW do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tặng, đưa vào hoạt động phát chương trình địa phương trên kênh 6/VHF tại Đồng Xoài; hoàn thành và đưa vào sử dụng tháp ăng-ten cao 118m do Đài PT-TH Bình Dương tặng; đầu tư đưa vào hoạt động máy phát thanh 10kW, máy phát hình 10kW kênh 25 UHF. Trung tâm PT-TH Bà Rá (tại Phước Long) trở thành trung tâm PT-TH quốc gia. Cùng với đó, nội dung, chương trình của đài từng bước cải tiến, đổi mới, được khán thính giả trong khu vực đánh giá cao. Đến nay, Đài PT-TH Bình Phước vẫn là đơn vị duy nhất trong khu vực miền Đông Nam bộ có 2 chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc S’tiêng và Khơme. Trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành, đồng hành với khán giả, Đài PT-TH Bình Phước ngày càng gần gũi, thân thiết với nhân dân.

Cùng với Báo Bình Phước và Đài PT-TH, hiện tỉnh Bình Phước còn có hai cơ quan báo chí là Tạp chí Khoa học thời đại và Tạp chí Văn nghệ cùng hàng trăm trang thông tin điện tử. 

Tạp chí Khoa học thời đại - cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, là sản phẩm báo chí, tuyên truyền được cấp phép hoạt động từ tháng 9-2007, số đầu tiên phát hành ngày 14-9-2007. Tạp chí Khoa học thời đại còn có trang điện tử khoahocthoidai.vn

Tạp chí Văn nghệ Bình Phước của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, được cấp phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc, phát hành 1 kỳ/tháng, số đầu tiên ra ngày 17-6-2010.

Đối với Báo Bình Phước, "gia tài" mang từ Báo Sông Bé lên tỉnh mới là 5 người và chiếc xe ôtô 4 chỗ ngồi. Vậy mà số ra ngày 1-1-1997, Báo Bình Phước đã có mặt trên sạp báo ngay trong buổi sáng sớm đầu năm. Số báo xuân Đinh Sửu - 1997 cũng đã kịp thời được phát hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Đó là sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, phóng viên Báo Bình Phước trong những ngày đầu tái lập tỉnh. Khó khăn gay gắt nhất của cơ quan báo là tình trạng thiếu nhân sự, thiếu cơ sở vật chất nhưng tinh thần hăng say làm việc thì không hề thiếu. Mặc dù phải đưa về TP. Hồ Chí Minh, rồi Bình Dương để in nhưng chỉ sau 3 tháng, Báo Bình Phước đã tăng lên 2 kỳ/tuần. Báo từng bước khắc phục việc thiếu nhân sự bằng cách mời gọi phóng viên từ các tỉnh khác về, những cộng tác viên giỏi ở các huyện cũng được báo chiêu mộ về làm. Nhờ vậy, qua từng năm, Báo Bình Phước đã khắc phục dần khó khăn thiếu nhân sự. Song song đó, được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ quan báo ngày càng ổn định và phát triển, cơ sở vật chất được đầu tư từng bước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc ra đời của nhà in, rồi hình thành và đi vào hoạt động Báo điện tử Bình Phước (baobinhphuoc.com.vn) đã khẳng định bước đi vững chắc của Báo Bình Phước. Sau 20 năm vượt qua bao gian nan, khó khăn vất vả, đến nay Báo Bình Phước đã trở thành một trong những tờ báo của khu vực có chất lượng tốt, số lượng phát hành cao, được bạn đọc trong và ngoài tỉnh khen ngợi. Hiện Báo Bình Phước phát hành 5 kỳ/tuần và 2 số tin ảnh/tháng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Báo điện tử Bình Phước cập nhật tin tức trong tỉnh, trong nước và quốc tế nhanh, chính xác, có lượng bạn đọc truy cập khá lớn.

Điều đáng ghi nhận trong chiều dài lịch sử 20 năm của hai cơ quan Báo Bình Phước và Đài PT-TH Bình Phước là việc nỗ lực chuẩn hóa về chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Từ chỗ có rất ít đảng viên, hiện nay cả 2 cơ quan báo của tỉnh đã có 2 đảng bộ cơ sở, là tổ chức đảng lãnh đạo hiệu quả công tác tuyên truyền của tỉnh. Hầu hết phóng viên, biên tập viên đã tốt nghiệp đại học, trong đó có nhiều người tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí và trên đại học, bảo đảm tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

20 năm, một chặng đường so với lịch sử thì còn rất ngắn nhưng với những người làm báo ở Bình Phước, 20 năm đã qua là thời kỳ lịch sử đặc biệt. Sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ, không quản ngại gian khổ, khó khăn của những người làm báo ở Bình Phước đã được đền đáp để hôm nay báo chí Bình Phước rất tự hào vì đã hòa mình trong dòng chảy của lịch sử hơn 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam.

Tiến Bình

  • Từ khóa
17165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu