Thứ 6, 29/03/2024 16:14:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:24, 06/04/2017 GMT+7

Màn kịch vụng về

Thứ 5, 06/04/2017 | 10:24:00 1,193 lượt xem
BP - Đúng ngày 8-3-2017 (chứ không trước cũng không sau), khi mà cả thế giới đang tưng bừng với các hoạt động mừng Ngày Quốc tế phụ nữ thì có một số tấm hình nhạy cảm với nội dung “công an tra tấn phụ nữ” lan truyền nhanh trên các trang mạng xã hội.

3 tấm hình đăng tải trên mạng mô tả một phụ nữ tay trái bị còng vào cửa sổ với vẻ mặt đau đớn đang bị một người đàn ông mặc sắc phục công an dùng tay túm tóc, đè đầu và dùng gót giày đè lên vai, gáy. Chưa biết “mô tê” gì nhưng một số “anh hùng bàn phím” đã vào bình luận thể hiện sự phẫn nộ đối với lực lượng công an. Chưa hết, vào sáng 11-3 một tài khoản facebook có tên Thuy Trang Nguyen đã đăng lại những tấm hình này kèm theo bài viết ngắn có tựa đề “Đã tìm được kẻ hành hung phụ nữ”. Trong 3 tấm hình Thuy Trang Nguyen sử dụng thì có 1 tấm chân dung Thiếu tá Bùi Hồng Minh, Phó trưởng Công an huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. 2 tấm còn lại là hình ảnh một người đàn ông mặc đồ giống cảnh phục công an (nhưng không rõ mặt) đang đấm, đạp một phụ nữ. Nội dung bài viết cho rằng Thiếu tá Bùi Hồng Minh đang hành hung người phụ nữ bán trà đá tên Giang vì chị Giang “không nộp tiền xâu” cho Thiếu tá Minh.

Ngay lập tức, Thiếu tá Bùi Hồng Minh đã có đơn trình cấp có thẩm quyền về vụ việc, trong đơn khẳng định hình ảnh người đàn ông mặc đồ giống cảnh sát đang túm tóc và đạp vào một phụ nữ không phải là mình và tấm hình chân dung xuất hiện trong bài viết nói trên vốn là hình được đăng trên một tờ báo điện tử hồi tháng 6-2016, viết về gương điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Thiếu tá Minh. Ngày 18-3, người phát ngôn Công an tỉnh Ninh Bình cũng khẳng định những thông tin đăng tải trên mạng xã hội có nội dung Thiếu tá Bùi Hồng Minh đánh người là vu khống, bịa đặt. Công an tỉnh Ninh Bình đang truy tìm người loan tin này. Trao đổi với báo chí, Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng Công an huyện Gia Viễn cho biết những hình ảnh đăng tải trên mạng không phải là trụ sở đơn vị. Vậy đâu là sự thật?

Ai cũng biết, việc các thế lực thù địch bịa đặt, xuyên tạc để làm xấu lực lượng công an đã diễn ra từ rất lâu và với tần suất được “ưu tiên” hơn hẳn đối với các lực lượng khác rất nhiều. Vậy vì sao chúng lại thường xuyên nhắm vào công an? Câu trả lời thật đơn giản, bởi mục đích của chúng là hướng sự bất bình, phẫn nộ của dư luận vào lực lượng đang ngày đêm bảo vệ bình yên cho nhân dân, làm cho người dân hoài nghi, xa rời, không còn tin tưởng vào người bảo vệ mình nữa. Rồi từ sự hoài nghi, không tin tưởng dẫn đến chống đối, gây xáo trộn an ninh chính trị để chúng lại có cớ loan tin bịa đặt.

Bên cạnh những chiến công vẻ vang, những hy sinh thầm lặng thì đâu đó vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ công an mất phẩm chất, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam. Những sai phạm trong lực lượng công an rõ ràng cần phải loại bỏ, nhưng không thể vì một vài kẻ thoái hóa biến chất mà quy kết toàn bộ lực lượng, phủ nhận hoàn toàn vai trò quan trọng của lực lượng công an.

Trở lại vụ “công an tra tấn phụ nữ” mà các trang mạng phản động đã chủ động chọn thời điểm tung lên một cách có chủ đích, nếu nhìn kỹ vào từng tấm hình, sẽ thấy có nhiều điểm vô lý. Thứ nhất, nếu thực sự đã diễn ra cảnh “công an hành hạ phụ nữ” thì người chụp sẽ không có lý do gì mà không quay video để vạch trần hành động đáng lên án của người được cho là công an kia. Và trên cơ sở đó để cơ quan chức năng biết rõ chân tướng sự việc và xử lý người vi phạm. Hơn nữa, vì sao tác giả các tấm hình này lại không chọn những góc chụp có thể rõ cả mặt, thậm chí là bảng tên người công an và chụp cả tòa nhà nơi diễn ra vụ việc mà lại chọn những góc chụp không rõ mặt, không rõ cảnh? Thứ hai, quần áo mà người đàn ông mặc trong các tấm hình “công an đánh phụ nữ” hoàn toàn không phải của lực lượng công an vì túi áo không giống, đai quần màu tối. Thứ ba, nếu nhìn kỹ một trong các tấm hình sẽ thấy xuất hiện một lá cờ màu đỏ xỉn được cắm ở một vị trí thật vô lý. Làm gì có lá cờ Tổ quốc nào xấu đến thế, lại còn được dựng vào một góc nhà kho chứ không giống cờ được treo ở bất cứ phòng họp của cơ quan nào. Đến đây thì bất cứ ai, với một đầu óc bình thường nhất cũng đã có thể rút ra kết luận: những kẻ cơ hội, phản động đã dàn dựng những tấm hình nói trên để tiếp tục bôi bẩn hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân, tạo cớ cho những “anh hùng bàn phím” viết bài, bình luận, chia sẻ thông tin bịa đặt.

Đất nước ta đã trải qua những chặng đường lịch sử vẻ vang. Và cùng với tiến trình cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng công an luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng và nhân dân đặt trọn niềm tin. Bảo vệ Đảng, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng công an nhân dân. Rõ ràng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia không thể thiếu vai trò của lực lượng công an. Dù ngay trong thời bình nhưng đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã và vẫn còn tiếp tục ngã xuống trong các cuộc truy bắt tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Âm mưu của các thế lực thù địch là gây chia rẽ lực lượng công an với nhân dân, đối lập với nhân dân và muốn tách công an ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế, chúng không từ một thủ đoạn nào, từ xuyên tạc, bóp méo sự thật đến ăn vạ, vu cáo nhằm bôi bẩn hình ảnh người chiến sĩ công an, lực lượng công an nhân dân Việt Nam. Bởi thế, khi tiếp nhận bất cứ một thông tin trái chiều nào về lực lượng công an, chúng ta cần bình tĩnh phân tích và tìm hiểu rõ thông tin. Nếu chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành mà đã hùa theo bình luận, chia sẻ thông tin là ta đang vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2599

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu